Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới. Tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời gian vừa qua đã giúp chúng ta giữ được kết nối với những người xung quanh tại thời điểm mà cả thế giới không thể tự do đi lại vì sự an toàn của xã hội. Trên đà phát triển này, 4 xu hướng công nghệ dưới đây được dự đoán sẽ tiếp tục thể hiện vai trò của mình rõ nét hơn nữa trong năm 2021.

Công nghệ Blockchain

Kể từ khi xuất hiện, Blockchain đã phải trải qua một thời gian dài để có thể tạo được sức ảnh hưởng đến xã hội. Với việc mọi người đã và đang tin tưởng nhiều hơn vào các thuật toán máy tính giúp công nghệ này nắm giữ một vị trí quan trọng trong thời đại số hiện nay. 

Do nhu cầu về các sản phẩm tài chính trực tuyến đang ngày càng gia tăng, hình thức tài chính phi tập trung (Decentralised Finance) được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tiếp theo. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sự cân bằng giữa ba yếu tố bao gồm phân quyền, bảo mật và khả năng mở rộng. 

Các cơ quan chính phủ cũng đã thay đổi cái nhìn của họ đối với công nghệ Blockchain, chuyển từ hoài nghi sang chấp nhận rộng rãi và đang ngày càng tận dụng những lợi ích mà Blockchain mang đến cho các hoạt động của họ. Điều này đồng nghĩa với việc, trong tương lai, các quy định xoay quanh công nghệ này sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. 

Công nghệ hướng dẫn khách hàng

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động mua sắm trực tiếp tại cửa hàng khiến cho doanh số bán hàng không thể tăng trưởng một thời gian dài. Nhằm giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp đã phải đẩy nhanh việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số vào quy trình bán hàng để thay thế cho các phương pháp truyền thống.

Để thu hút và hướng dẫn khách hàng những lợi ích và tính năng cụ thể của sản phẩm đòi hỏi phải có cách tiếp cận trên các phương tiện kỹ thuật số, bao gồm các giải pháp thương mại điện tử tích hợp video, webchat và thậm chí là thực tế ảo. 

Với những sản phẩm phức tạp yêu cầu khách hàng phải được hướng dẫn để sử dụng, bao gồm mặt hàng điện tử tiêu dùng, ô tô và phần mềm, các công ty đang đầu tư vào Hệ thống quản trị đào tạo (Learning Management Systems) hoặc các hệ thống khác tương đương được thiết kế để giúp doanh nghiệp có thể cung cấp cho khách hàng những nội dung hướng dẫn về sản phẩm của công ty. 

Các giải pháp quản trị này cho phép doanh nghiệp tạo ra các phần mềm, chương trình giáo dục, tài liệu và video hướng dẫn để mang đến những nội dung đào tạo hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Với nguồn dữ liệu lớn và phương pháp phân tích, các công ty có thể triển khai việc theo dõi chuyên sâu hành trình học tập của khách hàng, để họ nhanh chóng có được thông tin chi tiết và cải thiện dịch vụ của mình. 

Trong tương lai, khi những quy định hạn chế ảnh hưởng đến việc mua sắm tại cửa hàng và hướng dẫn trực tiếp bắt đầu được nới lỏng, công nghệ kỹ thuật số phục vụ cho việc cung cấp thông tin và hướng dẫn khách hàng vẫn sẽ tiếp tục phát triển phổ biến, với các cơ hội mới để gia tăng thương mại điện tử và cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Công nghệ đám mây

Trong năm 2020 vừa qua, thế giới đã chứng kiến những thay đổi không thể đảo chiều, nhiều người trong số chúng ta đã phải chuyển dời môi trường làm việc của mình từ văn phòng về nhà. May mắn là, các ứng dụng văn phòng được thiết kế trên nền tảng đám mây đã giúp ích rất nhiều trong việc đảm bảo hiệu quả cho mô hình làm việc này. 

Với sự trỗi dậy của thương mại điện tử, nền tảng đám mây đang được thúc đẩy để phát triển xa hơn vào năm nay. Công nghệ đám mây sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng đến chuyển đổi kỹ thuật số: Theo dự đoán từ Báo cáo điện toán đám mây của ForresterNow Predictions 2021, 60% các doanh nghiệp sẽ tận dụng nền tảng đám mây để lưu trữ thông tin và 25% các nhà phát triển sẽ sử dụng mô hình điện toán không máy chủ vào cuối năm 2021. 

Công nghệ Y tế

Hàng loạt những tin tức nổi bật đã cho thấy công nghệ Y tế đang trên đà phát triển và không có dấu hiệu dừng lại. Từ sự xuất hiện các thuật toán máy học và áp dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất vắc-xin trong thời gian ngắn, cho đến việc Google và Apple hợp tác tạo ra công nghệ tra cứu lây nhiễm cùng với đó là các mô hình toán học để tính toán số ca nhiễm bệnh thực tế và dự đoán làn sóng bùng dịch lần thứ hai trên thế giới. 

Giờ đây, việc kiểm tra sức khỏe đã chuyển từ hình thức gặp gỡ trực tiếp thành các buổi tư vấn trực tuyến giữa bác sĩ và bệnh nhân. Việc vận chuyển đơn thuốc sẽ được trợ giúp bởi các ứng dụng như Babylon Health, Ada, WhatsApp, FaceTime và Echo. Trong khi đó Calm và Headspace là những ứng dụng chứng kiến lượng người dùng tăng đột biến khi mọi người cố gắng chống lại các mặt tiêu cực của việc cách ly xã hội chẳng hạn như căng thẳng, lo âu và cô độc. Các thiết bị đeo tay giờ đây đã phát triển đến mức độ cho phép người dùng theo dõi nồng độ O2 trong máu, đo đạc nhịp tim, điện tâm đồ, phát hiện đột quỵ và theo dõi giấc ngủ. 

Công nghệ Y tế ngày càng trở thành công cụ hữu ích giúp mọi người quản lý được sức khỏe cá nhân, hỗ trợ cải thiện chất lượng công việc của nhân viên Y tế qua đó cứu giúp được rất nhiều bệnh nhân.

Đức Nguyễn / Advertising Vietnam

Theo The Drum