Bài được viết bởi Hạnh Lê, trợ lý điều hành tại EloQ Communications.
Quan hệ Công chúng (PR) là bộ phận quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn, chăm lo việc xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và công chúng. Và dù cho bản chất ngành PR không thay đổi, nhưng sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo (AI) đang đem lại nhiều sự đổi mới trong cách làm việc của người làm PR. Giờ đây, AI đang giúp các doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng hơn, và từ đó, giúp họ tạo ra các chiến dịch PR hiệu quả hơn.
Trong bài viết này, EloQ Communications sẽ đề cập đến những sự đổi thay mà AI đang đem đến cho ngành PR, và phân tích liệu AI có đe dọa cơ hội nghề nghiệp của người làm PR hay không?
Trí thông minh nhân tạo AI là gì?
AI là quá trình hệ thống máy tính học các xử lý những việc vốn cần chất xám của con người, ví dụ như nhận dạng âm thanh hoặc đồ vật, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, và đưa ra quyết định.
Xã hội đã tốn nhiều giấy mực để bàn về ảnh hưởng của công nghệ AI lên nhiều ngành nghề, và ngành PR cũng không phải là ngoại lệ. Theo Báo cáo PR Toàn cầu của ICCO giai đoạn 2021 – 2022, thì AI (53%) và khoa học dữ liệu (40%) là hai công nghệ liên quan nhiều nhất đến sự phát triển của ngành PR. Nếu chưa làm quen với khái niệm AI, nhiều người sẽ cảm thấy e ngại khi vô tình gặp phải thuật ngữ khoa học phức tạp này. Nhưng nếu tìm hiểu kĩ thì việc ứng dụng AI để hỗ trợ công việc là điều hoàn toàn nằm trong tầm với của doanh nghiệp.
Trong ngành PR, AI đã được áp dụng để tối ưu các công việc mang tính lặp đi lặp lại như media monitoring, quản lý mạng xã hội, tổng hợp báo cáo tin bài (coverage report), và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định tốt hơn. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể xem AI đang được ứng dụng vào ngành AI như thế nào ở phần tiếp theo.
Ứng dụng AI vào ngành PR như thế nào?
1. Cải thiện hiệu quả chiến dịch và giúp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đời thực
Một trong những điểm mạnh mà ngành quan hệ công chúng có thể khai thác ở AI là khả năng phân tích dữ liệu và cải thiện năng lực phân tích trong ngành PR, những điều vốn dĩ được xem là thế yếu của ngành PR khi so sánh với ngành marketing.
Bằng việc tích hợp các công cụ AI, người làm PR có thể trích xuất dữ liệu từ internet, và qua đó, xác định các xu hướng và mối quan tâm của công chúng. Những thông tin được AI thu thập có thể được dùng để định hướng chiến dịch và cải thiện quá trình đưa ra quyết định của công ty dựa theo mục tiêu đặt ra, đối tượng khách hàng, thông điệp chính, và kênh truyền thông, v.v.
- Trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, AI có thể giúp xác định những từ khóa và tiêu đề mới nổi để thu hút sự chú ý của công chúng.
- Khi chọn influencer, AI có thể quét một lượng dữ liệu đồ sộ để chọn ra những influencer phù hợp với yêu cầu của nhãn hàng trong tích tắc.
AI cũng có thể hỗ trợ các hoạt động đo lường của ngành PR vì các công cụ sử dụng công nghệ AI không chỉ thu thập dữ liệu mà còn có khả năng phân tích và đưa ra đánh giá. Công việc chính của ngành PR là xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp, và chỉ số này thường khó đo lường hơn dữ liệu về sales/marketing/quảng cáo. Việc áp dụng AI có thể cải thiện vấn đề này và đo lường giá trị thực tế của các hoạt động PR.
2. Tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại
Các công ty PR giờ đây có thể ứng dụng AI để chấm dứt các đầu việc mang tính lặp đi lặp lại nhàm chán. Với độ sai lệch gần như bằng không, AI có thể tổng hợp báo cáo tin bài, cá nhân hóa email gửi nhà báo, rã băng các buổi phỏng vấn bằng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP – natural language processing), tự động lọc danh sách influencer và nhà báo theo tiêu chí mà nhãn hàng đề ra, cập nhật dữ liệt, v.v. Với AI, các chuyên gia PR có thể nâng cao năng suất làm việc và giúp họ tập trung vào những công việc phức tạp hơn như hoạch định chiến lược hoặc xây dựng quan hệ báo chí.
3. Phân tích các cuộc trò chuyện thời gian thực và dự đoán khủng hoảng
AI đã được tích hợp vào ngành PR để theo dõi các cộng đồng online. AI giúp chuyên gia PR phân tích tông giọng của các cuộc hội thoại trên mạng xã hội theo thời gian thực và tiến hành phân tích để dự đoán những cuộc khủng hoảng đang chực chờ nổ ra. Với thông tin này, người làm PR có thể ngay lập tức đưa ra biện pháp khắc phục và điều chỉnh chiến dịch PR theo hướng phù hợp. AI giúp tăng khả năng linh hoạt và thích ứng của doanh nghiệp, đồng thời giúp họ hiểu về cảm xúc của khách hàng nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo ra các chiến dịch marketing hiệu quả hơn.
4. Tạo ra nội dung siêu cá nhân hóa (hyper-personalized)
Bạn có biết? Giờ đây AI đã có thể thay bạn viết nội dung. Các công cụ ứng dụng AI có thể tạo ra nội dung siêu cá nhân hóa, nên các nhãn hàng có thể ứng dụng công cụ này để tạo ra nội dung dành riêng cho từng đối tượng, xây dựng hộp hội thoại tự động cho website công ty, đề xuất những nội dung theo mối quan tâm của người tiêu dùng, phác thảo email gửi cho từng nhà báo, và nhiều hơn nữa.
Liệu AI có đe dọa đến cơ hội nghề nghiệp của người làm PR hay không?
Những cuộc thảo luận xung quanh việc ‘liệu AI có ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của các chuyên viên PR hay không’ vẫn còn đang diễn ra sôi nổi. Nguyên nhân là vì AI có khả năng tự động hóa và có thể thay thế sức người ở nhiều đầu việc. Nhưng trên thực tế, những người hành nghề PR không cần phải lo lắng về điều này.
Công nghệ không thể thay thế con người trong một ngành nghề được xây dựng trên nền tảng mối quan hệ giữa người với người. Đúng là AI có thể giúp doanh nghiệp viết nội dung, phác thảo thông cáo báo chí, hoặc lọc ra danh sách đầu báo cực kì chính xác, nhưng AI không thể mời nhà báo đi ăn trưa hoặc thuyết phục các cấp quản lý tham gia phỏng vấn.
AI đem lại sự tự động hóa, đẩy nhanh công việc với độ chính xác cao để cải thiện chất lượng công việc trong ngành PR. Tuy nhiên, dù AI có thể loại bỏ tất cả các sai sót kỹ thuật mang yếu tố con người, nhưng con người vẫn là chủ thể quyết định khi nào cần sử dụng AI. Ví dụ, các bot có thể sáng tạo nội dung dựa trên dữ liệu và dàn bài có sẵn, nhưng nội dung do AI tạo ra vẫn phần nào thiếu sự tự nhiên. Ở một mức độ nào đó, những bài viết này vẫn cần được biên tập lại để đảm bảo rằng nội dung đang đi đúng hướng. Do đó, AI chỉ có thể thay thế các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc những công việc không liên quan đến con người. AI không thể thay thế phần cốt lõi của ngành PR – đó là xây dựng mối quan hệ với các bên liên quan của công ty. Với những lý do như trên, việc ứng dụng AI sẽ không đe dọa cơ hội nghề nghiệp của những chuyên gia PR, mà thay vào đó, sẽ thúc đẩy ngành PR tăng trưởng nhanh hơn.
Tóm lại, AI có thể được ứng dụng để cải thiện hiệu quả các các chiến dịch quan hệ công chúng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành digital marketing, đã tích hợp các nền tảng AI và kí kết hợp tác với các công ty phát triển công nghệ AI để nâng tầm dịch vụ. Và đối với ngành PR tại Việt Nam, AI đang được sử dụng trong các hoạt động media monitoring và phân tích cảm xúc để cho ra kết quả đáng tin cậy. Trong tương lai, AI được kỳ vọng sẽ được ứng dụng phổ biến hơn và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực này.