Nói đến Influencer Marketing thì bước đầu tiên, quan trọng nhất nhưng cũng khó khăn nhất chính là lựa chọn các Influencer phù hợp cho chiến mình của mình. Và có thể bạn chưa biết là influencer cũng được phân thành nhiều loại khác nhau dựa theo số lượng follower của họ trên các nền tảng mạng xã hội. Biết được điều đó có lẽ sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc lựa chọn được influencer thích hợp cho mình.
4 kiểu Influencer dựa theo lượng follower
Mega Influencer: hơn 1 triệu follower
Mega Influencer là những “vị thần” trong giới Influencer với ít nhất 1 triệu follower trên các nền tảng mạng xã hội. Phần lớn các Mega Influencer là những người nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên. Đây là những người có thể tác động đến nhiều đối tượng khác nhau cả online và offline.
Nhiều công ty chọn làm việc với các Mega Influencer đồng nghĩa với việc họ phải có một ngân sách khổng lồ để hợp tác với các Influencer này. Giống như câu “tiền nào của nấy”, Influencer có lượng follower càng “khủng” thì chi phí cũng “khủng” không kém. Nhưng điều này không có nghĩa họ là giải pháp tốt nhất cho các chiến dịch Influencer Marketing. Thực tế thì dù có một lượng người theo dõi rất lớn nhưng tỷ lệ tương tác của Mega Influencer lại không bằng các Influencer nhỏ hơn bên dưới.
Mega Influencer thường là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn (Nguồn ảnh: Style-Republik)
Bên cạnh đó, Mega Influencer có thể cũng không phải là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó hay là người ảnh hưởng cho một phân khúc nhất định. Là người nổi tiếng nên follower của họ rất đa dạng từ già trẻ lớn bé từ mọi vùng miền. Vì vậy rất khó để nhắm đối tượng khách hàng tiềm năng trong số đó. Tương tự như vậy thì các bài chia sẻ của họ có thể là bất kỳ lĩnh vực nào chứ không phải như một chuyên gia công nghệ chỉ nói về các phát minh hay makeup artist chỉ nói về làm đẹp.
Nhưng lý do mà nhiều người vẫn chọn Mega Influencer và cũng là điều to lớn nhất mà họ có thể mang lại đó là những tiếng vang lớn. Thay vì quản lý nhiều Influencer nhỏ một lúc thì với 1 Mega Influencer duy nhất có thể bạn cũng tạo được độ nhận diện thương hiệu tương tự. Nên nếu mục đích của bạn là cải thiện độ nhận diện thương hiệu hay tiếp cận các đối tượng khách hàng đa dạng và thị trường rộng lớn thì không ai có thể tốt hơn Mega Influencer.
Macro Influencers: 500k – 1 triệu follower
Macro Influencer cũng là những người với một lượng follower nhất định trên các nền tảng social media. Macro Influencer có nhiều nét tương đồng với Mega Influencer nhưng điểm khác biệt duy nhất là có ít follower hơn. Thường thì Macro Influencer có từ 500k đến 1 triệu follower như các ngôi sao trên mạng, vlogger, ngôi sao của các chương trình truyền hình thực tế. Những người dù không phải là người nổi tiếng nhưng được biết đến rộng rãi trên mạng.
Vlogger là ví dụ điển hình của Macro Influencer (Nguồn ảnh: Beauty Blogger Trinh Phạm)
Giống như Mega Influencer thì Macro Influencer cũng có tệp khách hàng đa dạng cả về nhân khẩu học và sở thích. Macro influencer vì thế cũng rất thích hợp để tăng độ nhận dạng thương hiệu với một mức giá thấp hơn. Nhưng cũng giống như Mega Influencer thì tỷ lệ tương tác của Macro Influencer cũng không quá cao so với Nano và Micro Influencer do bản chất đa dạng của các follower.
Làm việc với các Macro Influencer thường được cho là tốn kém nhưng nếu bạn tìm kiếm một tệp khách hàng đa dạng và chỉ cần mọi người biết đến thương hiệu của mình là đủ thì Macro Influencer chính là những gì bạn cần.
Micro Influencers: 10k – 100k follower
Micro Influencer có thể xem là lựa chọn tốt nhất cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang muốn thử sức với mảng Influencer Marketing. Cộng đồng follower của Micro Influencer chủ yếu là trên online và chỉ tầm từ 10k đến 100k follower. Micro Influencer thường có follower nhờ vào một chủ đề hay phân khúc nhất định thông qua kênh Youtube hoặc những nội dung chất lượng được đăng tải thường xuyên trên Instagram.
Vì lượng follower ít hơn nên những người theo dõi này cũng có khả năng tương tác cao hơn với những gì influencer chia sẻ. Micro Influencer có danh tiếng tốt thường là những KOL cho một mảng mà họ chuyên về. Kiến thức chuyên môn giúp họ xây dựng được sự tin cậy và lòng trung thành của những follower.
Micro Influencer là lựa chọn phù hợp cả về chi phí và hiệu quả (Nguồn ảnh: wikimarketing)
Vì Micro Influencer thường tập trung vào một chủ đề nhất định nên cũng sẽ dễ dàng cho các thương hiệu để chọn ra người phù hợp với mình hơn. Ví dụ như Micro Influencer là một PT hay người chuyên về gym và yoga thì sẽ thích hợp với các nhãn hàng chuyên về phòng tập, đồ thể thao, dụng cụ thể hình và thực phẩm chức năng.
Những influencer này cũng có thể dễ dàng tiếp cận các khách hàng tiềm năng có độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi một cách tiết kiệm hơn so với những cách Marketing khác. Micro influencer có chi phí thấp hơn Mega và Macro Influencer nên phù hợp với những công ty có ngân sách giới hạn. Lựa chọn Micro Influencer, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để nhắm đến các khách hàng tiềm năng bằng những nội dung chất lượng và giảm thiểu số tiền chi trả cho những lượt reach (tiếp cận) với những người không hề quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của mình.
Nano Influencers: ít hơn 10k follower
Nano Influencer là kiểu Influencer tiết kiệm chi phí nhất cho các công ty. Vì các Influencer này có lượt follower thường ít hơn 10k người. Dù là Influencer với lượt follow ít nhất trong 4 loại Influencer nhưng họ cũng thường được các nhãn hàng lựa chọn vì lí do chi phí thấp. Thậm chí có những nhãn hàng chỉ tập trung vào các Influencer có ít hơn 2k follower.
Ngoài yếu tố giá cả thì các nhãn hàng cũng tin rằng một tệp khách hàng tuy ít nhưng chất lượng sẽ tốt hơn. Lý do cho điều này là phạm vi tiếp cận của Influencer càng nhỏ thì những người mà họ tiếp cận càng có cơ hội cao để trở thành khách hàng tiềm năng. Bên cạnh việc nhắm mục tiêu vào một phân khúc cụ thể của Nano Influencer thì cộng đồng của họ cũng giúp ích cho thương hiệu rất nhiều.
Cũng chính vì bản chất của các cộng đồng Nano Influencer là số lượng ít nên việc cá nhân hoá tương tác với các follower cũng tốt hơn. Hay nói cách khác thì Nano Influencer có thể dành nhiều thời gian để tác động đến từng cá nhân nhiều hơn và tỉ lệ chuyển đổi của họ cũng cao hơn. Follower cũng sẽ có cảm giác giống như mình được gợi ý từ bạn bè thay vì là đang xem một bài quảng cáo.
Nhưng đôi lúc những Nano Influencer cũng không được xem là một Influencer đích thực vì lượng người mà họ tiếp cận quá ít và social media dù gì cũng chỉ là một sở thích nhất thời. Nên nếu các Nano Influencer không đào sâu về chuyên môn thì sẽ không mang lại hiệu quả về lâu dài. Nhìn chung thì dù đây là một giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế nhưng nếu bạn muốn đi xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở những tệp khách hàng nhỏ thì có thể cân nhắc lựa chọn micro hoặc Macro Influencer.
Đâu là lựa chọn đúng đắn cho chiến dịch marketing của bạn?
Để lựa chọn một Influencer phù hợp chưa bao giờ là việc dễ dàng. Không phải chỉ dựa vào lượng follower của họ và cứ chọn ra người có con số cao nhất là được. Giống như ở trên đã đề cập ưu và khuyết điểm của từng loại thì việc lựa chọn Influencer phần lớn phải dựa vào mục tiêu của chiến dịch marketing mà bạn mong muốn.
Lựa chọn Influencer không hề dễ (Nguồn ảnh: freepik)
Bạn cần tiếp cận đến nhiều người hay tăng tỉ lệ chuyển đổi? Với mỗi mục tiêu sẽ có một đối tượng thích hợp cho bạn. Ngoài ra, ngân sách cũng là một yếu tố quyết định then chốt. Dù bạn muốn tiếp cận đến nhiều người nhưng cũng không thể vì vậy mà bỏ thật nhiều tiền cho Mega Influencer trong khi ngân sách giới hạn.
Một điều quan trọng khác nữa là chọn Influencer dựa theo nội dung hay chủ đề chuyên môn của họ. Vì những nội dung đó cũng chính là sở thích của follower của họ và là yếu tố quyết định xem các follower có phù hợp với thương hiệu của bạn không.
Việc lựa chọn Influencer cần được xem xét kỹ và có thể dùng đến sự trợ giúp của các công cụ online. Quan trọng nhất là bạn phải biết rõ mục đích cuối cùng bạn muốn đạt được là gì thì mới có thể chọn người phù hợp nhất cho bạn.