Thể thao chuyên nghiệp và kinh doanh có nhiều điểm chung: bạn đều phải làm việc chăm chỉ, xây dựng một đội ngũ tận tâm và cần một chút may mắn để mọi thứ diễn ra theo ý mình. Vì lý do đó, không có gì lạ khi các chuyên gia và doanh nhân thường sử dụng các ví dụ tương tự trong thể thao để giải thích cho các khái niệm kinh doanh. Dưới đây là 7 bài học rút ra từ các môn thể thao chuyên nghiệp mà bạn có thể ứng dụng để cải thiện kỹ năng quản lý và phát triển doanh nghiệp của mình.

Hiểu rõ thế mạnh của từng thành viên

Để minh hoạ cho bài học đầu tiên, hãy cùng đến với ví dụ từ giải bóng bầu dục nổi tiếng nước Mỹ – NFL. Mỗi đội tham gia NFL sẽ được phép đăng ký 55 cầu thủ trong danh sách thi đấu suốt mùa giải. Các cầu thủ đều có vai trò cụ thể của mình, có thể là Tiền vệ chính (người gọi và ném bóng), Cầu thủ sút điểm (người ném bóng vào khung), Trung vệ phòng ngự (người thực hiện các pha cản và tranh bóng giữa sân). Dù ở vị trí nào, cầu thủ đó cũng là một phần không thể thiếu của đội bóng, vì rất ít người có thể chơi tốt nhiều chức năng khác nhau.

Ảnh: Hive Life

Tương tự trong kinh doanh, mỗi văn phòng sẽ có những điểm mạnh, điểm yếu riêng mà người đứng đầu phải có khả năng quản lý tất cả. Nếu làm không tốt, sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả: thiếu hòa hợp, tinh thần thấp, tỷ lệ công việc giảm,…. Là một nhà quản lý, bạn phải nhận ra những thế mạnh đa dạng trong nhóm của bạn và phân bổ vai trò/công việc sao cho phù hợp. Hãy hiểu rằng bạn không thể làm mọi thứ một mình, thế nên bạn cần tin tưởng vào nhân viên của mình.

Michael Jordan, một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, đã từng nói: “Tài năng sẽ chiến thắng các trận đấu, nhưng tinh thần đồng đội và sự thông minh mới giành được chức vô địch”. Bạn có thể sẽ đạt được các mục tiêu ngắn hạn nếu tự làm mọi thứ, nhưng biết cách sử dụng hợp lý thế mạnh của từng cá nhân trong nhóm sẽ giúp doanh nghiệp của bạn đi xa hơn và có những thành tựu lớn hơn.

Để ý đến chi tiết

Dù làm kinh doanh hay chơi thể thao, việc để ý đến các chi tiết đều rất quan trọng, vì chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng có thể giúp bạn trở nên khác biệt. Các vận động viên chuyên nghiệp cực kỳ chú ý đến chi tiết – yếu tố giúp phân biệt giữa một cầu thủ giỏi với một cầu thủ vĩ đại.

LeBron James được biết đến với sự tỉ mỉ của mình. Anh ấy sở hữu một “trí nhớ chụp ảnh”, cho phép ghi nhớ lối chơi và xu hướng gần nhất của các đối thủ. Trong một trận đấu với Toronto Raptors, James khi đó chơi cho Cleveland Cavaliers, đã phân tích tình hình của đội đối phương để đưa ra chiến thuật và giành chiến thắng cho đội mình. Rõ ràng, không phải ai cũng may mắn có được trí nhớ tuyệt vời như James, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ qua các định hướng chi tiết trong quản lý doanh nghiệp. Để thu thập thông tin về việc nên chi tiết tới đâu hay như thế nào, các nhà lãnh đạo công ty cần liên tục đánh giá cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp bằng cách đặt những câu hỏi như: Làm thế nào để công ty tự tạo ra sự khác biệt với các công ty cùng ngành? Các nhân viên hiện tại có phải là sự lựa chọn tốt nhất cho công việc không? Công ty có đủ vững chắc để tồn tại trong thời kỳ suy thoái kinh tế không?…

Biết dung hoà và kết hợp những thái cực tính cách

Bất kỳ ai từng tham gia một đội thể thao đều biết tính cách khác nhau của mỗi người sẽ đóng góp như thế nào vào vai trò của họ. Sẽ có rất nhiều kiểu người trong cùng một đội, có người thích nêu lên ý kiến, có người sở hữu khả năng lãnh đạo bẩm sinh, nhưng cũng có người chỉ thích lắng nghe và âm thầm hỗ trợ. Học cách dung hòa các tính cách khác nhau chính là chìa khóa dẫn đến thành công của một tập thể, vì nếu không, môi trường chung sẽ trở nên độc hại, mọi người ganh ghét nhau và chỉ khăng khăng bảo vệ cái tôi của mình. Để có thể làm việc tốt bất chấp tính cách khác nhau, các thành viên cần phải cải thiện cách thức giao tiếp với nhau.

Khi được hỏi về việc làm sao vị huấn luyện viên mới, Frank Vogel, có thể điều hành và quản lý một đội với nhiều tính cách trái ngược nhau (gồm nhiều ngôi sao hiện tại và cựu All-Stars như Rondo, LeBron James, Anthony Davis, cũng như các tài năng trẻ và sắp ra mắt như Kyle Kuzma, Quinn Cook), đại diện của đội Los Angeles Lakers đã trả lời: “Anh ấy gọi các chàng trai ra ngoài, chỉ dạy họ và nói những lời phê bình mang tính xây dựng. Tôi chưa từng thấy một nhóm nào có thể hoà hợp với một huấn luyện viên hoàn toàn mới nhanh như thế”. Lakers cuối cùng đã giành chức vô địch NBA đầu tiên trong một thập kỷ, sau khi đánh bại Miami Heat với tỷ số 4-2 trong trận chung kết NBA mùa này.

Ảnh: Hive Life

Muốn xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả, nhà lãnh đạo cần có khả năng am hiểu và nắm bắt những tính cách khác nhau hoặc đôi khi trái ngược nhau. Bạn có thể sử dụng các bài kiểm tra tính cách như MBTI để xác định các phong cách giao tiếp của từng thành viên trong nhóm, biết được đâu là những cách tốt nhất để trao đổi công việc, cũng như giúp các thành viên giao tiếp với nhau tốt hơn và giảm thiểu tối đa những hiểu lầm không đáng có.

Làm việc cùng nhau để tạo nên những điều tuyệt vời

Để tối ưu hóa tiềm năng của đội ngũ, người phụ trách phải thiết lập văn hóa làm việc theo nhóm. Văn hoá này khuyến khích các đồng nghiệp đối xử thân thiện, không cạnh tranh nhau. Sau đó, các mối quan hệ tốt sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc chăm chỉ hơn, cùng hợp tác và hỗ trợ nhau nhiều hơn.

Không khó khi tìm kiếm một ví dụ về tinh thần đồng đội trong thể thao. Vào năm 2019, Liverpool đã phải đối mặt với việc bị loại khỏi UEFA Champions League sau khi thua trận lượt đi bán kết trước FC Barcelona với tỷ số đậm 3-0. Tệ hơn nữa, Liverpool còn thiếu vắng hai cầu thủ trụ cột cho trận lượt về là Mohamed Salah và Roberto Firmino. Nhưng nhờ vào sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên và một niềm tin về sức mạnh của toàn đội, Liverpool đã mang đến một trong những màn trình diễn tập thể ấn tượng nhất từng thấy trong lịch sử bóng đá châu Âu, vượt qua 3 bàn không gỡ để giành chiến thắng 4-0. Với chiến thắng này, đội bóng Anh Quốc hiên ngang tiến vào chung kết và giành được danh hiệu Champions League thứ sáu chung cuộc.

Mỗi cá nhân đều sở hữu những điểm mạnh, điểm yếu, thói quen và mong muốn của riêng họ. Vì vậy, nếu một công ty không chú trọng xây dựng tinh thần đồng đội, các nhân viên sẽ chỉ ganh đua để chứng tỏ bản thân thay vì cùng nhau cố gắng cho mục tiêu chung. Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến một môi trường làm việc độc hại và kém hiệu quả.

Ảnh: Hive Life

Không phải lúc nào cũng chiến thắng, nên đừng buồn khi thất bại

Trong thể thao, kết quả không bao giờ là chắc chắn 100%, ngay cả những đội mạnh nhất cũng cũng sẽ có những lúc thất bại. Hãy nhìn vào Golden State Warriors, một trong những đội thống trị trong lịch sử NBA, với 5 năm liên tiếp vào đến Chung kết NBA. Cuối mùa giải 2019, không may cho đội khi phần lớn các thành viên bị đa chấn thương, dẫn đến một mùa giải 2020 đáng thất vọng, bỏ lỡ cả trận play-off lần đầu tiên sau chín năm.

Trong kinh doanh cũng vậy, cả những doanh nghiệp lớn cũng có lúc lao đao, thậm chí là sụp đổ và cuộc khủng hoảng COVID-19 là minh chứng cho điều này: sẽ luôn có những kịch bản mà bạn không thể đoán trước và nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Điều quan trọng là không hoảng sợ trong lúc khó khăn. Đừng từ bỏ các nguyên tắc mà bạn đã đặt ra và luôn tin tưởng vào sức mạnh của toàn đội.

Steve Kerr, huấn luyện viên trưởng hiện tại của Golden State Warriors, từng nói: “Chúng tôi không đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng tôi chỉ có thể học cách phản hồi chúng nhanh chóng”. Tất cả đều hồi hộp chờ xem liệu Kerr có thể áp dụng nguyên tắc này cho Warriors vào năm sau hay không.

Hi sinh hiện tại cho tương lai

Có một khái niệm được gọi là “xe tăng” trong các giải đấu thể thao của Mỹ, khi ban quản lý hoặc huấn luyện viên buộc đội của họ cố tình thi đấu kém trong suốt mùa giải, với hy vọng được tuyển chọn một lứa vận động viên tốt hơn vào mùa tiếp theo. Đó chắc chắn không phải điều mà người hâm mộ muốn xem, nhưng những người thông minh sẽ hiểu rằng đôi khi đó là một sự hy sinh cần thiết.

Hy sinh hiện tại cho tương lai, còn được gọi là sự hài lòng chậm trễ, là một trong những điều quan trọng nhất mà người doanh nhân có thể học được. Đó được xem như một sự đầu tư: chịu lỗ tạm thời để thu về lợi ích lớn hơn. Một vận động viên chạy đường dài sẽ thức dậy lúc 5 giờ sáng để tập luyện cho mùa giải, chấp nhận hy sinh giấc ngủ của mình để cải thiện thể lực. Hay một cầu thủ bóng bầu dục nói không với miếng bánh chocolate vào đêm trước trận đấu play-off vô cùng quan trọng. 

Trong kinh doanh, hy sinh hiện tại cho tương lai có nghĩa là phải làm việc đến 8 giờ tối để đảm bảo bài thuyết trình vào ngày hôm sau hoàn hảo, hoặc thậm chí đổ hết tiền tiết kiệm cả đời vào một dự án kinh doanh mà bạn tin rằng sẽ thành công. Thực tế khó khăn của khởi nghiệp là mọi doanh nhân sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn về số tiền đầu tư – những doanh nhân thành công nhất thường là những người dành thêm nhiều giờ nghiên cứu cho các dự án vì họ tin vào tiềm năng lâu dài mà họ nhìn thấy.

Có một câu chuyện về huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant được kể bởi Williams, đồng đội cũ của anh. Có lần Williams đã đến sân đấu bốn tiếng trước giờ thi vì muốn trở thành người đầu tiên khởi động, nhưng khi đến nơi thì Bryant đã ở đó. Anh ấy ngạc nhiên hỏi Bryant rằng làm thế nào để duy trì tinh thần làm việc điên rồ như vậy, Bryant trả lời: “Tôi thấy bạn bước vào sân và tôi biết bạn đang làm việc rất chăm chỉ, nhưng tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn bạn”. Chính suy nghĩ đó đã giúp Kobe Bryant trở thành một trong những cầu thủ giỏi và được nể trọng nhất tại NBA.

Ảnh: Hive Life

Luôn ăn mừng những thành tích

Những bức hình chụp các cầu thủ ăn mừng khi thắng trận đấu lớn hay giành chức vô địch đều là những khoảnh khắc đẹp nhất trong thể thao: Bức ảnh Michael Jordan đầy xúc động ôm chiếc cúp Larry O’Brien năm 1991, Muhammad Ali đứng sừng sững trên chiếc Sonny Liston bị bắn rơi vào năm 1965 hay Brandi Chastain ăn mừng chiến thắng của tuyển nữ Hoa Kỳ tại World Cup 1999. Không thể so sánh những lần đạt doanh số hay hoàn thành dự án như những chức vô địch, nhưng điều quan trọng ở đây là bạn nên ăn mừng mọi chiến thắng mà nhóm của bạn đạt được.

Khi một cầu thủ đánh bóng chày trên sân nhà, anh ta sẽ đi quanh một vòng và quay trở lại trong sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các đồng đội của mình. Họ dành cho anh ấy những cái ôm chặt hoặc đôi khi là nhấc bổng lên không trung. Rõ ràng không phải tất cả nhân viên đều sẽ muốn tung hô, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên tán dương một công việc được hoàn thành tốt. Một chiếc bánh, một phần thưởng nhỏ hoặc thậm chí chỉ một lời cảm ơn cũng có thể giúp nhân viên biết rằng bạn tự hào về thành tích của họ.

Hãy đảm bảo rằng nhân viên của bạn cảm thấy được đánh giá cao khi họ đạt được mục tiêu bán hàng hay hoàn thành dự án, nó nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của bất kỳ nhà quản lý nào. Điều này không chỉ khiến họ có thêm động lực để làm việc chăm chỉ hơn cho các dự án trong tương lai mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa các đồng nghiệp khi họ thấy người khác được khen thưởng cho những nỗ lực của họ.

Tiên Tiên / Advertising Vietnam

Theo Hive Life