Trong ngành quảng cáo và truyền thông, cụm từ “Em ơi…” sau giờ hành chính đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người làm nghề. Khi client đột ngột thay đổi brief, đội ngũ làm việc thường phải đối mặt với những cú sốc và căng thẳng. 

Tuy nhiên, bên phía client cũng có nhiều nỗi niềm và cái khó riêng. Họ phải đảm bảo cho thành phẩm có kết quả tốt nhất và công ty họ phải trải qua nhiều bước duyệt từ cấp cao cho đến quản lý. Thế nên đôi khi việc ‘lật brief’ cũng là một việc mà họ không hề mong muốn. 

Nỗi niềm và những cú “giật mình” khi client hay ‘lật brief’

Chị H.T (Creative Director, 30 tuổi) chia sẻ: “Làm trong nghề quảng cáo thì đương nhiên là sẽ gặp qua những tình huống khách hàng lật brief và mỗi khi account nhắn ‘Em ơi…’ gần đến giờ tan làm là team mình biết ngay sẽ phải ở lại tăng ca.” 

Thay đổi brief có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, kể cả lúc nhân sự đã về nhà, dẫn đến việc họ phải bật máy tính lên và làm lại từ đầu. Điều này không chỉ làm mất thời gian mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của cả đội ngũ.  

Những cú “giật mình” này không chỉ đến từ sự thay đổi nội dung brief, mà còn từ việc phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng yêu cầu mới trong thời gian ngắn. Đôi khi, team phải hoàn thiện lại toàn bộ kế hoạch, điều chỉnh chiến lược hoặc thiết kế lại sản phẩm theo yêu cầu mới, dẫn đến áp lực công việc gia tăng và sự mệt mỏi kéo dài.

Anh T.A (Design Executive, 25 tuổi) nói: “Mỗi khi đến mùa cao điểm chạy chiến dịch của các nhãn hàng thì chuyện khách ‘lật brief’ là chuyện thường hay xảy ra. Điều đó khiến cho mình và cả team đều cảm thấy vô cùng áp lực mỗi khi nhận được những tin nhắn như là ‘Em ơi..’, ‘Ủa em..’”. 

Việc thay đổi brief không chỉ là một thử thách về mặt nội dung, mà còn là một thử thách về mặt thời gian. Team phải chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Không những phải điều chỉnh chiến lược, thiết kế lại sản phẩm, mà còn phải đảm bảo mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ và đúng thời hạn. Sự thay đổi liên tục khiến cho team mất đi cảm hứng sáng tạo và dễ rơi vào tình trạng kiệt sức. Tuy nhiên, việc nhân sự cùng nhau ở lại tăng ca đồng thời cũng giúp tăng cường sự đoàn kết trong nhóm và làm việc hiệu quả hơn khi họ phải đối mặt với những thử thách không lường trước.

Client cũng có nỗi niềm riêng về mặt tiêu chuẩn và quy trình của công ty 

Anh D.T (Senior Brand Manager, 35 tuổi): “Công ty bên mình cũng có cái khó riêng vì bên phía agency gửi ý tưởng rồi bên mình cũng phải xét duyệt qua rất nhiều bước nên bên mình cũng khó khi phải nhắn tin cho bên agency lúc ngoài giờ hành chính.” 

Ngoài ra, việc thay đổi brief đôi khi là do những phản hồi mới nhất từ thị trường hoặc sự thay đổi chiến lược từ cấp trên mà client buộc phải thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế. Họ phải đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng không chỉ đạt chuẩn về mặt hình ảnh mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nội dung và chiến lược.

Cả team sáng tạo và client đều có những áp lực và khó khăn riêng. Điều quan trọng là cả hai bên cần có sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Khi client phải thay đổi brief vào phút chót, họ cũng không mong muốn gây khó khăn cho đội ngũ sáng tạo. Việc hai bên cùng ngồi lại, chia sẻ và hiểu rõ những thách thức của nhau sẽ giúp giảm bớt áp lực và tăng cường sự hợp tác, tạo ra những sản phẩm chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất.

Chị H.T chia sẻ thêm: “Bên phía mình cũng rất mong client có thể thông báo sớm nhất có thể về những thay đổi để team có đủ thời gian chuẩn bị. Đồng thời, việc duy trì một kênh giao tiếp mở và thường xuyên giữa hai bên sẽ giúp giảm bớt những căng thẳng không cần thiết.”

Cuối cùng, cả team sáng tạo và client đều hướng tới mục tiêu chung là tạo ra những chiến dịch thành công. Sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau sẽ giúp cả hai bên vượt qua những thử thách và đạt được kết quả tốt nhất. 

Kim Yến

Minh hoạ: Hoạ sĩ Huy Mai

Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!