Xây dựng thương hiệu là bài viết hướng dẫn tâm huyết của Vũ cùng đội ngũ dành tặng cộng đồng, với mục tiêu chia sẻ kiến thức về xây dựng thương hiệu dễ hiểu, miễn phí không giới hạn trên môi trường internet, tới những cá nhân hoặc doanh nghiệp mong muốn xây dựng thương hiệu của mình tốt hơn.

Xây dựng thương hiệuXây dựng thương hiệu như bạn trồng một cái cây, không thể một sớm một ngày đơm hoa kết trái.

Nếu bạn là một doanh nghiệp hay chỉ là một cá nhân đang bắt đầu hành trình kinh doanh đầy tham vọng, bạn chắc hẳn đã nghe tới thuật ngữ “phát triển thương hiệu” hay “thương hiệu sẽ là tài sản giá trị nhất”. Vậy thương hiệu là gì?

“Thương hiệu” là một thuật ngữ rất dễ gây nhầm lẫn và thường bị định nghĩa nhầm, dẫn tới nhiều người mơ hồ về thuật ngữ này, điều đó không quan trọng, trong bài chia sẻ này, Vũ sẽ giúp bạn hiểu đúng, hiểu đủ về thương hiệu và các xây dựng một thương hiệu.

Nhiều người nhầm tưởng rằng việc xây dựng thương hiệu chỉ đơn giản là có một tên thương hiệu hoặc một logo được bảo hộ. Tuy nhiên tên thương hiệu và logo chỉ là một phần nhỏ của thương hiệu. Thương hiệu là nhận thức, là những giá trị cảm xúc nhiều hơn là những giá trị vật chất.

Định nghĩa về thương hiệu

Thương hiệu là cách thức mà một tổ chức hoặc cá nhân tạo nên, được cảm nhận hữu hình, hoặc vô hình bởi những người đã trải nghiệm nó. Thương hiệu không đơn giản là một cái tên, một câu khẩu hiệu, một biểu tượng. Thương hiệu là sự cảm nhận, nhận biết sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp khơi gợi lên.

Cảm xúc của mỗi khách hàng được tạo ra từ nhận thức của chính họ, cụ thể hơn đó chính là các Neuron thần kinh. Xây dựng thương hiệu là xây dựng nhận thức chủ quan của khách hàng thông qua các hoạt động nuôi dưỡng có chủ đích của doanh nghiệp.

 

xây dựng thương hiệuMỗi quyết định của mỗi con người xuất phát từ xung điện của các Neuron thần kinh.

Quá trình xây dựng thương hiệu, là liên tục truyền đạt tới khách hàng tiềm năng thông qua hàng loạt các dấu hiệu tác động tới tất cả các giác quan, những cách thể hiện cơ bản bao gồm chữ viết, hình ảnh và âm thanh.

Giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng thương hiệu thể hiện điều này khi hầu hết mọi doanh nghiệp đều nghĩ tới việc cần có một thiết kế logo(bao gồm chữ viết và hình ảnh). Tiếp theo đó là truyền tải thương hiệu bằng những thông điệp qua nhiều phương tiện khác nhau, như trực tiếp (hội thảo, event, triển lãm…) hay trực tuyến (Website, Facebook, Instagram…)..vv. Từ đây doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ có gắn tên thương hiệu hoặc logo để bắt đầu kinh doanh.

Thoạt nghe thì đơn giản như vậy, nhưng tại sao cần nghiên cứu, học hỏi và đầu tư xây dựng thương hiệu? nếu đơn giản như những gì Vũ vừa chia sẻ thì cần kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu làm gì?

Lý do đến từ sự phân biệt của khách hàng tiềm năng, xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp khác biệt và có vị trí cố định trong nhận thức của khách hàng, điều này giúp tăng tỉ lệ khách hàng mua lại sản phẩm và biến khách hàng tiềm năng trở thành một khách hàng trung thành, một tín đồ truyền bá thương hiệu không phát sinh chi phí, và cứ như một vệt dầu loang, thương hiệu sẽ lan tỏa khắp mọi nơi.

Tại sao xây dựng thương hiệu lại quan trọng?

xây dựng thương hiệu

Không sở hữu thương hiệu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có sự khác biệt so với hàng triệu doanh nghiệp khác, điều này khiến doanh nghiệp khó tạo được sự chú ý.

Không xây dựng thương hiệu nhằm chiếm lấy một vị trí nhất định trong nhận thức của người tiêu dùng sẽ làm người tiêu dùng khó phân biệt và không gợi nhớ khi họ có nhu cầu về sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Thương hiệu chính là tài sản tích lũy của doanh nghiệp, khi quá trình xây dựng thương hiệu là xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành, những người sẵn sàng ủng hộ những sáng kiến mới, chi tiền mua sản phẩm mới, thuyết phục người quen cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

Thương hiệu mạnh cũng chuyển đổi người tiêu dùng trở thành đối tác của doanh nghiệp, khi họ tin tưởng và muốn trở thành đối tác (nhà bán hàng, nhượng quyền, hợp tác…) kinh doanh chính thương hiệu mà họ (hoặc người thân quen) sử dụng. Với một thương hiệu mạnh, từ trong nhận thức, khách hàng sẽ đặt câu hỏi “sản phẩm tốt như vậy, tại sao mình không hợp tác?”, đó là thời điểm, thương hiệu đã phát triển mạnh mẽ.

Để sở hữu một thương hiệu mạnh, Vũ mời bạn khám phá cách xây dựng thương hiệu, 8 giai đoạn dưới đây.

Cách xây dựng thương hiệu với quy trình 8 giai đoạn

1. Xác định thị trường, khách hàng mục tiêu và đối thủ

xây dựng thương hiệu

Bạn không thể đi tới đích nếu không biết rõ con đường mình sẽ đi, việc xác định thị trường và khách hàng mục tiêu là một quá trình nghiên cứu và tìm kiếm thị trường phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp.

  • Thị trường mục tiêu

Có rất nhiều cách khác nhau để xác định thị trường mục tiêu, bằng sự nhạy bén về kinh doanh bạn nên lựa chọn thị trường phổ quát hoặc thị trường ngách, điều bạn có thể tìm thấy trong chiến lược kinh doanh, bạn có thể tham khảo 5 thị trường bao gồm:

  1. Thị trường phổ quát
  2. Thị trường hỗn hợp
  3. Thị trường đa dạng phân khúc (kinh doanh nhiều chủng loại sản phẩm)
  4. Thị trường đa dạng tệp khách hàng (kinh doanh nhiều sản phẩm)
  5. Thị trường ngách

  • Khách hàng mục tiêu

Sau khi xác định được thị trường phù hợp với nguồn lực, bạn cần xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu, mặc dù để xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng hãy đảm bảo bạn có tối thiểu những nội dung:

  • Giới tính
  • Độ tuổi
  • Hành vi
  • Nhân khẩu học

  • Nghiên cứu đối thủ

Nghiên cứu những đối thủ hiện hữu trên thị trường giúp doanh nghiệp rút ra những bài học sâu sắc, bạn cũng có thể thấy được cơ hội và thách thức, rào cản gia nhập. Những điều này giúp bạn có cái nhìn bao quát và tận dụng tốt tài nguyên mà mình sở hữu

2. Hiểu rõ mục đích và xây dựng lý tưởng thương hiệu

xây dựng thương hiệu

  • Mục đích thương hiệu

Với việc trả lời ba câu hỏi mà Vũ tạo ra dưới đây sẽ giúp bạn khám phá ra mục đích mà bạn bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu:

  1. Thương hiệu này tạo ra để làm gì?
  2. Những cách nào giúp thương hiệu của bạn làm được điều đó?
  3. Tại sao thương hiệu lại làm điều này?

Khi trả lời được ba câu hỏi này, bạn đã cho khách hàng biết được lý do lựa chọn thương hiệu, cho nhân viên biết được lý do đồng hành.

  • Xây dựng lý tưởng thương hiệu

Khởi đầu của mọi hành trình kinh doanh bắt nguồn từ một ý tưởng, để thuyết phục và hiện thực hoá ý tưởng đó, mọi người kinh doanh đều cần nâng cấp nó trở thành lý tưởng, lý tưởng là tầm nhìn, sứ mệnh và chuẩn mực đạo đức thương hiệu:

Tầm nhìn thương hiệu là mục tiêu cuối cùng mà thương hiệu muốn hướng tới trong khoảng thời gian nhất định.

Sứ mệnh thương hiệu là những mong muốn ở thời điểm hiện tại và đang được thực hiện, giải thích được lý do cho sự hiện diện của thương hiệu và khả năng đáp ứng nhu cầu đối với khách hàng.

Bộ chuẩn mực đạo đức là tập hợp các đặc điểm, nguyên tắc hướng dẫn và niềm tin, giúp định hướng cho hoạt động các cá thể trong doanh nghiệp cùng hướng đến một mục tiêu cụ thể. Những chuẩn mực này có tầm ảnh hưởng đến mối quan hệ của thương hiệu với khách hàng, sự phát triển của doanh nghiệp và chiến lược thương hiệu.

3. Xây dựng tính cách thương hiệu

xây dựng thương hiệu

Với mục tiêu giúp thương hiệu nổi bật, thương hiệu cần có những cá tính và cuộc sống riêng, bởi lẽ con người thích tương tác và giao tiếp giữa con người với con người. Bằng cách gắn cho thương hiệu một tập hợp các đặc điểm và tính cách như con người, doanh nghiệp đang nhân cách hoá thương hiệu, giúp người tiêu dùng có thể kết nối và giao tiếp.

Bước đầu tiên xây dựng tính cách thương hiệu là đưa ra một tuyên ngôn định vị thương hiệu. Tuyên ngôn định vị này không phải dùng để quảng cáo ở mọi nơi, tuyên ngôn định vị giúp tạo ra một cá tính và là khẩu hiệu mang tính hướng dẫn.

Xây dựng tuyên ngôn định vị thương hiệu theo cú pháp sau:

Chúng tôi cung cấp [sản phẩm hoặc dịch vụ] cho [thị trường mục tiêu] cho [đề xuất giá trị]. Không giống như [những giải pháp hiện tại], chúng tôi [mô tả điểm khác biệt nhất của thương hiệu] 

Hãy cố gắng ngắn gọn, càng cụ thể càng tốt khi viết về [thị trường mục tiêu], ví dụ như [những công ty xây dựng cần sự bảo mật tuyệt đối] hay [những phụ nữ văn phòng muốn có chế độ ăn lành mạnh] hoặc [những gia đình lần đầu có con nhỏ ở độ tuổi từ 25-35, đang tìm kiếm người giúp việc phù hợp]…

Mặc dù có rất nhiều tính cách khác nhau mà bạn có thể lựa chọn cho thương hiệu, dưới đây là 5 tính cách hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

  • Hoạt bát : tính cách này hoạt bát, trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết.
  • Chân thành: minh bạch và sự thật, thương hiệu đem đến sự tin tưởng với sự chu đáo và từ tế.
  • Chắc chắn, mạnh mẽ: đây là tính cách đại diện cho sự bảo vệ, đứng về lẽ phải, nó cũng rất phù hợp cho những thương hiệu thể thao.
  • Thông thái: với nền tảng kiến thức và khả năng chia sẻ cho cộng đồng, tính cách này luôn thể hiện khả năng lãnh đạo ra đưa ra quyết định hài hoà.
  • Tinh tế: khéo léo, thuyết phục, không thô lỗ hay khoe mẽ.

Tính cách thương hiệu quyết định và định hướng hầu hết các tài liệu và hoạt động truyền thông, marketing và bán hàng, nó rất quan trọng, vì vậy cần đảm bảo tính cách thương hiệu phù hợp với khách hàng mục tiêu.

4. Chọn tên thương hiệu

xây dựng thương hiệu

Tên thương hiệu là lựa chọn khó khăn với mọi doanh nghiệp, vì đây là lựa chọn một lần và sẽ rất khó hoặc không thể thay đổi trong tương lai, đừng quá lo lắng, hãy cố gắng đặt tên thương hiệu đảm bảo sáu tiêu chí sau đây:

  1. Khác biệt
  2. Có ý nghĩa
  3. Dễ phát âm
  4. Có thể đăng ký bảo hộ
  5. Ngắn gọn
  6. Dễ phát triển

Bạn cũng có thể sử dụng những cái tên có nghĩa có sẵn như cách mà những thương hiệu sau đã thực hiện

  • Tên thương hiệu có ý nghĩa
  • Apple (quả táo): Thương hiệu máy tính và điện thoại công nghệ cao
  • Puma (báo sư tử): Thương hiệu thời trang thể thao
  • Amazon (rừng nhiệt đới): Thương hiệu mua sắm trực tuyến qua website

  • Tên thương hiệu sử dụng từ ghép
  • Casumina: Cao su Miền Nam
  • Vinamilk: Vietnam Milk
  • Coteccons: Company + Technical + Construction

  • Tên thương hiệu sử dụng chữ cái đầu
  • KFC: Kentucky Fried Chicken
  • ACB: Á Châu Bank
  • IBM: International Business Machines

  • Sử dụng một ngôn ngữ khác
  • Audi: Trong tiếng Latinh Audi có nghĩa là lắng nghe.
  • Sony: Trong tiếng Latinh “Sonus” có nghĩa là âm thanh, Sony là từ lóng trong tiếng Mỹ chỉ một thanh niên trẻ, hiếu động
  • Canon: tiếng Pháp cổ, sự tốt đẹp, thông thái

Sử dụng tên của một vị thần

  • Nike: Tên của nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp
  • Hermes: Một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp
  • Neptune: Thuỷ thần trong thần thoại La Mã

Sử dụng tên người

  • Tesla: công ty sản xuất xe điện lấy tên nhà bác học vĩ đại Nikola Tesla
  • McDonald’s: tên theo hai người sáng lập Richard và Maurice McDonald
  • Ford: đặt tên theo nhà sáng lập Henry Ford

Mọi người thường lo lắng rằng, một cái tên có ý nghĩa rõ ràng sẽ giúp mọi người hiểu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên những thương hiệu mạnh sẽ định nghĩa lại cái tên đã từng có ý nghĩa trước đó. (ví dụ về Apple và Amazon), đó là cách thương hiệu phát triển, thay đổi nhận thức của con người.

5. Viết một câu khẩu hiệu (Tagline)

Sáng tạo ra một khẩu hiệu không phải là điều bắt buộc, tuy nhiên mọi doanh nghiệp nên có, vì tagline sẽ giúp thương hiệu khẳng định rõ lập trường và quan điểm của mình trước người tiêu dùng. Tagline có thể xuất hiện tại mọi nơi hoặc cũng không cần xuất hiện quá nhiều, điều này có nghĩa không nhất thiết phải sử dụng tagline mọi lúc mọi nơi và đừng xem tagline là một phần không thể tách rời của logo, hãy sử dụng tagline một cách linh hoạt với mục tiêu đảm bảo tagline luôn dễ đọc và nổi bật mỗi khi nó được sử dụng.

Trong thời đại cạnh tranh ngày một khốc liệt, tagline là một phần giúp thương hiệu khác biệt và nổi bật hơn so với đối thủ trong ngành. Hãy khéo léo sử dụng những câu viết hài hước hoặc khẳng định dịch vụ, chất lượng mà doanh nghiệp cung cấp, nó cũng có thể thông báo rõ ràng về lợi thế cạnh tranh của thương hiệu là gì?

Ví dụ một số tagline nổi tiếng sẽ giúp bạn có cảm hứng:

  1. Bitis – Nâng niu bàn chân Việt
  2. KFC – Vị ngon trên từng ngón tay
  3. Trung Nguyên – Khơi nguồn sáng tạo
  4. Prudential – Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu
  5. TH – True Milk – Thật sự thiên nhiên
  6. Tesla – Ride Free
  7. Apple – Think Different
  8. Nike – Just Do It
  9. Adidas – Impossible is nothing
  10. Intel – Intel Inside

Một tagline hiệu quả sẽ cho khách hàng lý do nên chọn thương hiệu của bạn so với đối thủ.

6. Viết câu chuyện thương hiệu và giọng nói thương hiệu

Việc viết và chia sẻ câu chuyện thương hiệu giúp doanh nghiệp trả lời hàng loạt các câu hỏi quan trọng từ phía khách hàng, giúp mọi người đồng cảm và thấu hiểu về thương hiệu với mục tiêu tạo niềm tin và gia tăng tín nhiệm.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người thích lắng nghe và đọc những câu chuyện là hành vi có ảnh hưởng từ thời tiền sử, khi con người giao tiếp với nhau qua những câu chuyện khi có nhiều thời gian rảnh rỗi. Tâm trí của con người tiếp nhận và phân tích rất mạnh với ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói, đây là cách thức tác động tới nhận thức của bất kỳ một con người nào.

Câu chuyện thương hiệu giúp doanh nghiệp khác biệt và nổi bật so với hàng loạt các quảng cáo dồn dập mỗi ngày khi nó chứa đựng sự sâu lắng và chậm rãi. Một câu chuyện phù hợp và có tính thuyết phục sẽ giải đáp những câu hỏi sau:

  • Tại sao bạn bắt đầu công việc kinh doanh?
  • Điều gì thôi thúc bạn mỗi ngày?
  • Sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu dành cho ai?

Câu chuyện thương hiệu phải ngắn gọn, hấp dẫn có tính logic cao, trên hơn hết nó phải là sự thật, tuyệt đối không được sáng tác hoặc phóng tác câu chuyện không có thực. Hãy cố gắng viết theo giọng nói đối thoại giữa con người với con người, hãy viết như một người kể chuyện, đừng viết theo phong cách bài đăng blog chứa đầy thuật ngữ. Hãy cố gắng viết theo phong cách, giọng nói phù hợp với tính cách thương hiệu.

7. Thiết kế nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu Vietnam Access America do Vũ thiết kế.

Trong thời đại kỹ thuật số lên ngôi thời nay, nhận diện thương hiệu là một yếu tố quan trọng giúp “mọi người nhận ra thương hiệu”. Thiết kế nhận diện thương hiệu là truyền tải những nội dung mà bạn đã xây dựng tại những giai đoạn trên.

Hãy lưu ý rằng, nhận diện thương hiệu dạng hình ảnh là truyền tải nội dung dạng chữ viết một cách hấp dẫn và thu hút, với mục tiêu khách hàng tiềm năng sẽ thấy tò mò, thích thú và khám phá thương hiệu.

Những yếu tố quan trọng trong thiết kế nhận diện thương hiệu bao gồm:

  • Màu sắc

Màu sắc không chỉ đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ, màu sắc cũng truyền tải những giá trị cảm xúc và tạo ra cảm giác. Khi sử dụng màu sắc phù hợp và riêng biệt, màu của thương hiệu sẽ được ghi nhớ trong tâm trí của khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng phân biệt và nhận ra thương hiệu khi có nhu cầu hoặc sẽ tạo ra nhu cầu.

Việc sử dụng màu sắc cũng rất quan trọng với những doanh nghiệp thực hiện chiến lược phân phối trực tiếp thông qua các cửa hàng hoặc hệ thống bán lẻ, màu sắc khác biệt sẽ giúp thương hiệu nổi bật và chiếm lấy mọi ánh nhìn, sự pha trộn màu sắc, tận dụng các vật liệu mới lạ cũng giúp thương hiệu trở nên nổi bật.

  • Phông chữ

Phông chữ thương hiệu thường không được nhiều doanh nghiệp chủ ý, điều này thật đáng tiếc khi hầu hết nội dung truyền thông đều sử dụng ngôn ngữ viết để tiếp cận khách hàng. Sử dụng những phông chữ đặc biệt hoặc ít người sử dụng sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt về mặt nhận diện hình ảnh (kiểu chữ), dưới đây là một số phong cách phông chữ bạn cần hiểu để lựa chọn.

Phông chữ Sans-serif: thường được Việt hoá và gọi với cái tên gần gũi là phông chữ “không chân”, nhóm phông chữ này thường được những công ty công nghệ, những công ty hiện đại sử dụng, một số ví dụ có thể kể đến như Google, Facebook, Twitter, Grab, Uber và Youtube… Nhóm phông chữ này đem đến sự tối giản, gọn gàng và dễ đọc trong mọi trường hợp hiển thị.

Phông chữ Serif: nhắm đến nhóm phông chữ này, một ví dụ giúp bạn có thể hình dung ra ngay đó là phông chữ Times-New Roman, loại phông chữ này có “chân” khác vớt Sans-serif. Những phông chữ loại này chứa đựng cảm giác cổ điển, chuyên nghiệp, tinh tế và thông minh. Loại chữ Serif không hiển thị tốt trên các thiết bị trực tuyến (Website, điện thoại…).

Phông chữ Script: đây là nhóm phông chữ theo phong cách viết tay thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khả năng hiển thị, những kiểu chữ này có thể từ những phông chữ cong đơn giản tới uốn lượn phức tạp. Đây là loại phông chữ phù hợp cho lĩnh vực nghệ thuật, những điểm nhấn trong văn bản, tiệc cưới, thể hiện sự cao cấp, xa hoa.

  • Hình ảnh thương hiệu

Duy trì tính nhất quán là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần cố gắng giữ nguyên tất cả các yếu tố xây dựng thương hiệu như tính cách, thông điệp, phong cách, nếu không tất cả những cố gắng của doanh nghiệp có thể không hiệu quả do thiếu sự đồng nhất và kết nối trong quá trình truyền tải tới khách hàng mục tiêu.

Khi sử dụng hình ảnh trong in ấn, trên website, mạng xã hội và các kênh truyền thông, quảng cáo khác nhau, hãy giữ nguyên phong cách hình ảnh, đừng sáng tạo trong phong cách hình ảnh, nếu không sẽ khó tạo dựng nhận thức tới khách hàng.

Ví dụ thương hiệu luôn sử dụng hình ảnh là nhóm người trẻ Châu Á vui vẻ, hạnh phúc, truyền cảm hứng trong mọi thiết kế, hãy đảm bảo giữ nhất quán điều này, không nên sử dụng hình ảnh phong cách châu âu, trung niên hoặc thiếu nghiêm túc.

  • Thiết kế logo

Thiết kế logo gần như là cụm từ đầu tiên mà người bắt đầu kinh doanh nên nghĩ tới. Bởi logo luôn là tín hiệu hiện diện đầu tiên với bất kỳ ai có trải nghiệm cùng thương hiệu.

Thiết kế logo cần phải khác biệt và truyền tải đúng bản sắc thương hiệu mà doanh nghiệp mong muốn. Logo cũng cần đảm bảo sự đơn giản hạn chế quá nhiều ý nghĩa được nén vào trong một biểu tượng nhỏ. Hãy cố gắng sở hữu một thiết kế logo đơn giản nhưng có ý nghĩa. Một số kỹ thuật thiết kế logo mà bạn có thể tham khảo như sau:

Wordmarks: Chỉ sử dụng tên thương hiệu

Ví dụ: Google, Coca Cola, Samsung…

Letterforms: Sử dụng chữ cái trong tên thương hiệu làm biểu tượng

Ví dụ: Unilever, McDonald, Netflix…

Pictorial: Sử dụng một biểu tượng có ý nghĩa rõ ràng

Ví dụ: Apple, NBC, Shell

Abstracts marks: Sử dụng một biểu tượng trừu tượng

Ví dụ: Nike, Pepsi, Adidas

Emblems: Thiết kế logo như một khối nhất quán

Ví dụ: Harley Davidson, Ups, Harvard University…

Mascot: Sử dụng linh vật 

Ví dụ: KFC, Michelin, Piggly wiggly…

8. Xây dựng kế hoạch truyền thông quảng bá thương hiệu

Chúc mừng bạn đã đọc tới giai đoạn cuối cùng, đây là thời điểm sử dụng tất cả những dữ liệu tạo ra tại những giai đoạn phía trên quảng bá ra thế giới.

Hãy cố gắng đưa thật nhiều dữ liệu thương hiệu tiếp cận với khách hàng mục tiêu càng nhiều càng tốt, một số phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn:

  • Xây dựng bộ chủ đề truyền thông
  • Viết nội dung truyền thông và thông điệp truyền thông từng giai đoạn
  • Chạy quảng cáo các chương trình truyền thông xây dựng nhận thức và tín nhiệm
  • Tạo tài khoản mạng xã hội và chia sẻ nội dung về thương hiệu
  • Xây dựng trang web chia sẻ kiến thức và bán hàng
  • Chia sẻ bài viết và sử dụng chiến lược SEO để thu hút và xây dựng cộng đồng

Dù sử dụng bất kỳ phương pháp này, hãy cố gắng giữ sự nhất quán các dữ liệu và bạn đã tạo ra từ giai đoạn 1 đến 7, lưu ý nhất với thông điệp và hình ảnh quảng bá.

Xây dựng thương hiệu là một hành trình không có điểm dừng, yêu cầu người thực hiện phải có ý chí và quyết tâm, kế hoạch xây dựng thương hiệu 8 giai đoạn là nền tảng giúp bạn tin tưởng, củng cố và thuyết phục mọi người về tầm nhìn của mình.

Hãy liên tục cố gắng và đừng bỏ cuộc hoặc thay đổi giữa chừng, giữ sự kiên trì của bản thân, hiệu quả của thương hiệu thường tới chậm, nhưng sẽ bền vững và là tài sản, di sản giá trị nhất của những người quyết tâm.

Chúc bạn thành công.

Nguồn bài viết: https://vudigital.co/cach-xay-dung-thuong-hieu-tu-con-so-0-ai-cung-co-the-thuc-hien.html