Sau khi tiếp quản ngày 28/10, Elon Musk đã thực sự làm đảo lộn Twitter khi không ngừng cải tổ nền tảng. Vị tỷ phú từng thành công với Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX, cũng tạo được danh tiếng với công ty sản xuất xe điện Tesla. Thế nhưng, người ta nghi ngờ sự sụp đổ của “Chú Chim Xanh” đến từ phong cách quản lý có phần bảo thủ của Elon Musk. 

Nghiên cứu mang tên Successful Organizational Change đăng tải trên Academy of Management đã kết luận: Muốn tái cơ cấu doanh nghiệp thành công thì quy trình phải có đầy đủ 3 yếu tố: 1) Một tầm nhìn rõ ràng và hấp dẫn được truyền đạt hiệu quả tới nhân viên; 2) Sự tham gia tích cực của nhân sự và 3) Sự tin tưởng hoàn toàn vào các lãnh đạo cấp cao. 

Website truyền thông phi lợi nhuận The Conversation viết rằng “Elon Musk, vị tỷ phú giàu nhất thế giới dường như đã quá vội vàng biến Twitter thành một cỗ máy kiếm tiền. Ông đã không có đủ thời gian để tìm hiểu 3 nguyên tắc nói trên”. Kết cục nhận lại là một cái giá quá đắt khi Twitter đứng trước nguy cơ đổ vỡ, lực lượng nhân sự căng thẳng và công ty mất đi những nhân tài chủ chốt. 

charge-of-twitter.jpg (1200×900)

Kể từ khi tiếp quản, Elon Musk đã thực sự làm đảo lộn Twitter khi không ngừng cải tổ nền tảng

Từ trường hợp của Elon Musk, The Conversation cho rằng các lãnh đạo có thể rút ra danh sách “những điều không nên làm” khi quản lý nhân sự. 

1. Phong cách quản lý “hardcore”

Elon Musk nổi tiếng với phong cách quản lý doanh nghiệp cực kỳ khó tính. Kể từ khi tiếp quản Twitter, vị doanh nhân người Mỹ đã cho nhân viên ngừng làm việc tại nhà, huỷ giờ nghỉ trưa và sa thải gần một nửa lực lượng lao động tương đương 3.700 nhân viên tại đây. Nhiều người thậm chí còn chẳng biết bản thân đã bị sa thải cho tới khi không thể truy cập vào máy tính công ty. 

Vào ngày 16/11, Elon Musk tức tốc gửi tối hậu thư với nội dung chính là yêu cầu nhân viên “làm việc nhiều giờ hơn dưới cường độ cao”. Tính từ thời điểm nhận thư đến 5 giờ chiều ngày hôm sau, nhân viên có tổng cộng 2 ngày để lựa chọn giữa làm việc cường độ cao hoặc bị sa thải. Ngay sau đó, khoảng 500 nhân viên đã quyết định rời đi. 

twitter-employee-66.jpg (2000×1333)

Ước tính có 1.200 trong tổng số 3.700 nhân viên đồng loạt xin nghỉ vào ngày 17/11

Nhưng có vẻ đây không phải là phản ứng mà Elon Musk mong muốn nhìn thấy ở nhân viên. “Ông chủ” mới của Twitter vội vã mở các cuộc họp khẩn với nhân viên chủ chốt hòng thuyết phục họ… ở lại. Vị tỷ phú cũng rút lệnh cấm làm việc tại nhà, gửi email đính chính rằng “tất cả những gì tôi muốn chỉ là một lời cam kết bạn sẽ đóng góp hết mình cho công ty”. 

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều đã quá muộn. New York Times dẫn từ một nguồn tin nội bộ rằng căng thẳng đang bắt đầu leo thang. Ước tính có 1.200 trong tổng số 3.700 nhân viên đồng loạt xin nghỉ vào ngày 17/11. Cũng trong ngày hôm đó, Twitter đã phải đóng cửa các tòa nhà văn phòng và thông báo sẽ mở trở lại vào thứ Hai tuần sau. Mục tiêu của hành động này là ngăn chặn hành vi phá hoại của các “cựu” nhân viên và có thêm thời gian để sàng lọc ai là người còn đang thực sự làm việc tại Twitter. 

elon-musk-flickr-2018.jpg (2047×1365)

Nhân viên cốt cán rời đi không phải là điều mà Elon Musk đã dự trù ban đầu

Từ cách ứng xử của Elon Musk, The Conversation cho rằng “người tiếp quản mới của Twitter” đã có những quyết định không “giúp ích gì” cho tổ chức. “Sa thải và tái cơ cấu vẫn thường diễn ra trong thị trường. Nhưng cách vị sếp mới tiếp quản toàn bộ quy trình này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nhân viên, đặc biệt là tới lựa chọn rời đi hay ở lại của họ. Nếu bạn muốn nhân viên cam kết sẽ cống hiến và sánh vai cùng bạn đối mặt với khủng hoảng, vậy thì việc tố cáo họ lười biếng và đe doạ cắt giảm cũng không giúp ích được gì”, trang thông tin viết. 

2. Nhầm lẫn giữa các mô hình doanh nghiệp 

Sẽ có nhiều người bối rối trước kết luận “Elon Musk là một lãnh đạo tệ”. Họ đặt nghi vấn về thành công trước đó của SpaceX và Tesla. Tính đến tháng 10/2021, SpaceX được định giá trên 100 tỷ USD và được hãng thông tấn CNBC ca ngợi là “siêu kỳ lân” trong giới công nghệ. Trong khi đó, mặc dù 2022 là năm tệ nhất trong lịch sử cổ phiếu của Tesla, công bố kết quả tài chính quý 3/2022 cho thấy hãng xe điện vẫn có giá trị rơi vào khoảng 700 tỉ USD dựa trên vốn hoá thị trường. Những con số này là bằng chứng không thể chối cãi về óc kinh doanh xuất chúng của Elon Musk. Nhưng liệu chúng có đồng nghĩa rằng anh ấy cũng là một nhà lãnh đạo giỏi? 

mZhFVFdKCQ3w5AoTCtsyyG.jpg (2048×1079)

Kinh doanh giỏi nhưng chưa chắc đã là nhà lãnh đạo giỏi

Câu trả lời The Conversation đưa ra đáng tiếc là “không”. Nguyên tắc cơ bản của “lãnh đạo giỏi” không dừng lại ở việc tạo doanh thu, mà còn dẫn dắt nhân sự cùng phát triển. Theo đó, The Conversation chỉ ra sự khác biệt lớn giữa các kiểu công ty “hướng tới sứ mệnh cao cả” như SpaceX và một nền tảng truyền thông xã hội như Twitter. Khi mục tiêu chung của công ty là “phát triển một loạt các hệ thống tàu vũ trụ và sử dụng chúng như một phương pháp để tiếp cận hành tinh khác”, vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi nhân sự tại đây sẵn sàng làm việc nhiều giờ hơn. “Họ sẽ vượt lên trên thử thách miễn là cảm thấy mình còn đóng góp vào sứ mệnh cao cả của công ty. Điểm mấu chốt là, họ được lựa chọn. Ở Twitter, Elon Musk không cho nhân viên sự lựa chọn”, trích dẫn từ The Conversation. 

3. Có những hành động cá nhân gây rủi ro cho doanh nghiệp

Một số người cho rằng “bước lùi” của Twitter là do tính tự cao và ích kỷ của Elon Musk. Ở vị trí một lãnh đạo cấp cao, Elon Musk lại có những hành động gây rủi ro cho cả doanh nghiệp và các nhân viên cấp tổ chức. “Nhân viên của anh ấy không phải là nhà tỷ phú. Họ vẫn là những nhân sự đang vật lộn trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp, song song đó cố gắng thích nghi với phong cách làm việc ‘hardcore’ của vị sếp mới. Thế nhưng, tất cả những gì Musk làm là đăng tweet về ‘Twitter của anh ấy’”. 

elon-musk-funny-tweets.jpg (1024×682)

Elon Musk không kiểm soát hành động cá nhân, gây ảnh hưởng tới công ty

Yoel Roth, Cựu Giám đốc Bảo mật và Kiểm duyệt nội dung tại Twitter tiết lộ nền tảng “Chim Xanh” đang trở nên kém an toàn hơn dưới sự tiếp quản của Elon Musk. Ông Roth cho rằng Twitter hiện không còn đủ nguồn nhân lực để bảo đảm khả năng kiểm duyệt nội dung hiệu quả như trước kia. Chưa kể, cách quản lý của Elon Musk cũng đang khiến Twitter trở nên kém an toàn hơn. “Kể từ khi Elon Musk hoàn thành thương vụ mua lại Twitter, nền tảng này cũng đột nhiên nổi lên nhiều bài đăng phân biệt chủng tộc và bài trừ Do Thái. Các nhà tiếp thị lo ngại về sự an toàn thương hiệu, vì vậy đã cắt giảm chi tiêu quảng cáo trên nền tảng này, gây ra một cuộc khủng hoảng trong công ty để bảo vệ uy tín”, Roth nói. 

Yoel Roth, Cựu Giám đốc Bảo mật và Kiểm duyệt nội dung tại Twitter tiết lộ nền tảng “Chim Xanh” đang trở nên kém an toàn hơn dưới sự tiếp quản của Elon Musk

Elon Musk nổi tiếng với Iterative Design (Thiết kế lặp), là một phương pháp thiết kế dựa trên một quá trình tạo mẫu, thử nghiệm, phân tích lỗi và cải tiến liên tục cho đến khi tạo ra sản phẩm hoàn hảo nhất. Không có gì lạ khi Elon Musk muốn thách thức các mô hình quản lý cũ và áp dụng tư duy mới. Thế nhưng The Conversation kết luận, có những nguyên tắc lãnh đạo cơ bản vẫn nên được duy trì, vì chúng là cốt lõi nếu muốn dẫn dắt tổ chức thành công. Từ bài viết trên, các lãnh đạo cấp cao có thể học hỏi được 3 điều “không nên làm” khi quản lý: Phong cách làm việc tiêu cực, Nhầm lẫn giữa các mô hình doanh nghiệp và Gây rủi ro cho doanh nghiệp bằng những hành động mang tính cá nhân. 

Theo The Conversation

Hằng Trần