Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, việc quảng cáo, mua sắm trên Internet và giao dịch trên sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng tại Việt Nam cũng được chú trọng hơn sau đại dịch Covid-19. 

Tất cả sự thay đổi này đã tạo ra cả cơ hội và thách thức lớn cho ngành dược phẩm. Mặc dù thương mại điện tử mở ra nhiều kênh phân phối mới, nhưng việc kinh doanh và quảng cáo thuốc trên các sàn thương mại điện tử cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật để đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sự phát triển luôn đi đôi với những thách thức 

Dược phẩm, bao gồm thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, là những sản phẩm đặc biệt được sử dụng để phòng, chữa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể. Theo quy định, dược phẩm chỉ được bán tại các cơ sở có giấy phép như nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu,… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều loại dược phẩm, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, đang được bày bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, gây ra nhiều lo ngại về chất lượng và an toàn.

Cùng với công nghệ sản xuất, mô hình phân phối thuốc đã thay đổi rất nhiều, trong đó có thương mại điện tử và kinh doanh chuỗi nhà thuốc

Theo dự báo của IQVIA, tổng chi tiêu cho ngành dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3-6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sau những biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020-2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung của ngành vẫn đang trên đà hồi phục và phát triển bền vững kể từ năm 2024. 

Cùng với sự tăng trưởng thu nhập bình quân, người dân Việt Nam ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho dược phẩm. Theo dự báo của Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm sẽ tăng từ 1,46 triệu đồng vào năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm. 

Trong bối cảnh nhu cầu về dược phẩm ngày càng cao, cùng với sự phổ biến của sàn thương mại điện tử, nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng là thách thức đã mở ra về kinh doanh và quảng cáo cho các doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, sự xuất hiện của các chuỗi nhà thuốc đã đòi hỏi cần có những quy định pháp lý rõ ràng và cụ thể hơn. Tuy nhiên, Luật Dược năm 2016 vẫn chưa kịp thời điều chỉnh để đáp ứng thực tế này. 

Vậy nên, vào ngày 12/08 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét và cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Dự thảo luật bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. 

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Các doanh nghiệp về dược phẩm được quảng cáo, đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương diện kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. 

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng đề cập đến việc thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Với những quy định chặt chẽ về kinh doanh, việc quảng cáo dược phẩm cũng đòi hỏi sự cẩn trọng

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, dịch vụ quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử đã trở nên phổ biến. Các doanh nghiệp và cá nhân tận dụng nền tảng này để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình đến đông đảo khách hàng thông qua hệ thống mạng internet. Để thu hút người tiêu dùng, các thông tin về sản phẩm cần được cung cấp một cách chi tiết và hấp dẫn.

Theo Điều 7 Luật quảng cáo năm 2012, dược phẩm có các hình thức quảng cáo bao gồm: Báo chí; Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác; Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác; Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo; Phương tiện giao thông; Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao; Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo; Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực dược phẩm, việc quảng cáo này đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Theo Luật sư Đỗ Thị Hoài Lâm – làm việc tại Văn phòng Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, quảng cáo dược phẩm cũng như các quảng cáo các sản phẩm khác cần phải tuân thủ Luật quảng cáo và không thuộc sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo. Ngoài ra, quảng cáo dược phẩm còn phải tuân thủ theo quy định tại Luật dược năm 2016 và các văn bản hướng dẫn.

Bảng quảng cáo ngoài trời là một trong những hình thức quảng cáo phổ biến của ngành dược phẩm 

Bên cạnh đó, chị cũng cho biết việc mua bán và quảng cáo dược phẩm trên mạng xã hội là một trong những hình thức quảng cáo phức tạp nhất hiện nay. Bởi vì, quảng cáo dược phẩm trên mạng xã hội không được kiểm duyệt về mặt nội dung theo quy định tại Luật quảng cáo 2012 và Luật dược năm 2016.

Theo chính sách quảng cáo của các nền tảng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Tiktok,… thì người dùng mạng xã hội chỉ cần thanh toán tiền, nội dung phù hợp với chính sách của nền tảng mạng xã hội đề ra là có thể mua quảng cáo. Nội dung quảng cáo không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm không biết từ đâu, xuất hiện rất nhiều thần y trong các quảng cáo thuốc đông y với bài thuốc gia truyền,… Thậm chí lấy hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng, các giấy chứng nhận giả mạo không được cơ quan nào cấp phép lồng ghép nhằm tạo niềm tin từ người tiêu dùng.

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ yêu cầu tại Điều 126 Nghị định 54/2017/NĐ-CP, quy định về các thông tin, hình ảnh không được dùng trong quảng cáo thuốc. Cụ thể:

  • Các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc: Theo đó, quảng cáo thường tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định;… bị cấm sử dụng.
  • Dùng các từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự cũng không được phép.

Cùng với những quy định trên, Điều 126 Nghị định 54/2017/NĐ-CP còn liệt kê các điều kiện khác khi quảng cáo thuốc, đó là việc cấm sử dụng: Danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân; Hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc,…

Bên cạnh đó, lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là nội dung bắt buộc phải có trong quảng cáo dược phẩm.

Lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” là nội dung không thể bỏ qua khi quảng cáo

Vi phạm quảng cáo dược phẩm: Phạt tiền từ 5 – 40 triệu đồng

Sai lầm thường gặp của các doanh nghiệp khi thực thi luật quảng cáo trong lĩnh vực dược phẩm là quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, sử dụng những từ ngữ khiến cho người xem hiểu nhầm về công dụng của thuốc, về các chứng nhận của các đơn vị thẩm định, nghiên cứu.

Căn cứ Điều 50 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thuốc sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu – 40 triệu đồng tùy từng trường hợp, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định;

  • Căn cứ khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách xóa bỏ, tháo gỡ, thu hồi sản phẩm, hàng hoá quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội và phải buộc cải chính thông tin, xin lỗi đối với hành vi vi phạm của mình;

Lưu ý: Trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp người vi phạm là tổ chức thì phải chịu mức phạt gấp hai lần số tiền phạt đối với cá nhân (căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP);

  • Căn cứ Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017: Nếu có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, đã bị xử lý vi phạm hành chính, bị phạt tiền mà vẫn tiếp tục tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Thanh tra Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt 16 triệu đồng đối với công ty Lam Sơn về hành vi quảng cáo chuỗi nhà thuốc Long Châu là “chuỗi nhà thuốc chuyên đặc trị ung thư”

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các hành vi bị cấm trong quảng cáo được quy định tại Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012 tại Khoản 10 Điều 6 Luật dược 2016:

  • Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận;
  • Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn để quảng cáo thuốc;
  • Sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc”.

Theo Luật sư Lâm, việc phổ cập luật quảng cáo dược phẩm cho các doanh nghiệp nên bắt đầu từ chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Trong thủ tục thành lập các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm phải đáp ứng các tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất và nhân sự. Trong quá trình hoạt động thì định kỳ 3 năm/lần hoặc đột xuất, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dược phẩm sẽ phải tái đánh giá đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự. Tuy nhiên, không thấy có tiêu chí đánh giá mức độ phổ cập pháp luật liên quan đến việc quảng cáo dược phẩm cho các doanh nghiệp.

“Chính doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm là nơi hiểu rõ nhất về sản phẩm của mình. Vì vậy, khi quảng cáo dược phẩm họ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, chị nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, thủ tục xin cấp phép quảng cáo dược phẩm trở nên phức tạp, với nhiều khâu kiểm duyệt, nhiều luật ràng buộc gây cản trở quá trình sáng tạo nội dung và kéo dài thời gian phê duyệt kết quả. Việc làm theo đúng quy định của pháp luật khiến nội dung quảng cáo bị hạn chế, thậm chí bị làm nhái sản phẩm, hoặc dùng hình ảnh sản phẩm để lừa đảo người tiêu dùng gây ảnh hưởng đến uy tín. Điều này hình thành nên những rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện luật quảng cáo dược phẩm.

Như Quỳnh

Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.