Những tháng qua, làn sóng sa thải tại các công ty công nghệ như Meta, Google, Microsoft, Shopee,… đã gây bất ngờ cho nhiều người. Nhiều nhân sự dù đã gắn bó cùng công ty suốt sáu tháng đến hơn 20 năm đều đứng trước nguy cơ bị sa thải. Ông Ralph del Corral – người đã có nhiều năm làm việc tại Ogilvy Health, Saatchi & Saatchi Wellness, McCann Healthcare,… cho biết, vài tháng qua ông đã chứng kiến nhiều nhân viên dày dặn kinh nghiệm bị sa thải. “Đừng bao giờ tỏ ra quá thoải mái” là những gì mà ông đúc kết được trong giai đoạn qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, khách hàng cắt giảm ngân sách tiếp thị và nhiều yếu tố khác, những agency lớn như GroupM thuộc WPP, Interpublic Group, Work & Co,… đã tiến hành sa thải nhân sự, đặc biệt nhất là R/GA có đến 3 đợt sa thải trong vòng chưa đầy một năm. Một Giám đốc Điều hành đã chia sẻ với AdAge rằng buổi sáng nào cô ấy cũng lo sợ sẽ nhận được thông báo sa thải từ công ty. Mặc dù tình trạng sa thải gần đây không phổ biến như thời kỳ đại dịch năm 2020, tuy nhiên vị Giám đốc Điều hành này cho biết tình trạng cắt giảm việc làm tràn lan trong ngành đã dấy lên sự lo lắng và bất an của mọi người.
Trước khả năng có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào như hiện nay, nhân sự cần làm gì để chuẩn bị cho bản thân mình? AdAge đã phỏng vấn những người từng bị sa thải trong quá khứ và các chuyên gia HR để tìm hiểu chi tiết!
Liên tục cập nhật thông tin về thị trường lao động
Để tránh bị ảnh hưởng từ làn sóng sa thải, các chuyên gia cho rằng nhân sự ngành Quảng cáo nên có những kế hoạch dự phòng. Đầu tiên, bà Alex Cuevas – Phó Chủ tịch và Giám đốc Tài năng tại BBDO Worldwide khuyên rằng nếu các nhân sự đã nghi ngờ công ty mình sắp tiến hành đợt sa thải, họ nên cập nhật portfolio và CV ngay.
Nhân sự nên cập nhật porfolio và CV thường xuyên
Ông Scott Dobroski – một chuyên gia nghề nghiệp cho biết, nhân sự nên kiểm tra CV và portfolio thường xuyên để đảm bảo rằng chúng phản ánh đầy đủ các kỹ năng mới, cũng như liệt kê chi tiết những dự án bản thân đã tham gia thực hiện. Ngoài ra, nhân sự cũng nên giữ liên lạc và phát triển mối quan hệ với những người làm việc tại các công ty khác. Nếu đã từng cộng tác với ai đó và tin tưởng người đó, nhân sự có thể hỏi địa chỉ email và số điện thoại cá nhân của họ để có thể liên hệ trong trường hợp bị sa thải đột ngột.
Bên cạnh việc tìm kiếm một “bến đỗ” mới, bà Alex cũng nhắc nhở nhân sự hãy kiểm tra các quyền lợi về sức khoẻ như bảo hiểm hoặc vấn đề hỗ trợ chi phí từ công ty. Một Giám đốc Điều hành của một agency chia sẻ với AdAge rằng họ đã bị sa thải và các khoản trợ cấp về sức khỏe đã hết hạn ngay sau đó. “Tôi bị gãy một chiếc răng hàm nhưng khi đến bệnh viện thì họ nói rằng bảo hiểm đã hết hạn”, người này nói. Mặc dù có nhiều công ty sẽ mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bị sa thải trong một khoảng thời gian nhất định, thế nhưng, điều này không bị bắt buộc về mặt pháp lý. Vì thế, các nhân sự nên chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm an toàn cho quyền lợi của bản thân nếu chẳng may công ty hiện đang làm việc có dấu hiệu của một đợt sa thải.
Tìm hiểu rõ ràng các quyền lợi sau khi bị sa thải
Khi Mark Zuckerberg – CEO Meta thông báo sa thải hơn 11.000 nhân viên, ông đã gửi email thông báo những đặc quyền dành cho những nhân sự bị sa thải như bồi thường 16 tuần lương cơ bản, chi trả phí bảo hiểm trong 6 tháng, hỗ trợ tìm việc làm mới,…
Meta đã có đợt sa thải nhân sự quy mô lớn
Cũng giống như Meta, một số công ty có các gói hỗ trợ cho những nhân sự bị sa thải. Bà Maren Reed – người sáng lập công ty chiến lược HR và truyền thông Hatch Consulting và là cựu giám đốc tài năng của Swift Agency cho biết nhân sự nên xem xét cẩn thận những quyền lợi này. Nếu có thể, nhân sự nên tìm các cố vấn pháp lý để được tư vấn chi tiết. Thậm chí, nhân sự có thể tập hợp những đồng nghiệp bị sa thải nhằm so sánh, đánh giá các quyền lợi. Có thể những nhân sự ở những cấp độ khác nhau có những quyền lợi riêng, song nhân sự nên tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý với gói hỗ trợ thôi việc từ công ty.
Bên cạnh đó, nhân sự cũng có thể thương lượng các quyền lợi của mình sau khi bị sa thải. Thông thường, một gói trợ cấp thôi việc thường bao gồm 1 đến 2 tuần lương cho mỗi năm nhân viên làm việc tại công ty. Thế nhưng nhân sự vẫn có thể thương lượng tăng thêm nếu cần. Những công ty cổ phần ít có khả năng chấp nhận những yêu cầu này, song nhân sự vẫn có thể thử. Bà Reed cho biết, bản thân bà sẽ hỏi về việc giữ lại máy tính mà công ty đã cấp hoặc bàn làm việc của mình. Bên cạnh đó, nhân sự cũng cần tìm hiểu về chính sách hoàn trả thời gian nghỉ phép còn dư của công ty.
Tại Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang đều sẽ có những quyền lợi khác nhau dành cho nhân sự. Theo Đạo luật Bảo vệ Quyền lợi Người lao động Lớn tuổi (OWBPA) của liên bang, nhân viên được phép có 45 ngày để xem xét gói trợ cấp thôi việc nếu ít nhất hai người trên 40 tuổi được cho nghỉ việc cùng lúc. Bà Maren Reed cũng nói rằng các công ty nên cung cấp một số khoản trợ cấp thôi việc hoặc hỗ trợ tài chính cho nhân sự bị sa thải, bất kể thời gian làm việc của người đó tại công ty dài hay ngắn.
Công ty nên hỗ trợ tài chính cho những nhân sự bị sa thải
Còn đối với nhân sự ở Việt Nam, căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, tức là bao gồm cả trường hợp người lao động bị sa thải sẽ được giải quyết các quyền lợi sau:
– Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động được thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
– Người sử dụng lao động phải ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động kể cả trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định khi nhân sự bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Yêu cầu công ty hỗ trợ quá trình tìm việc làm mới
Bà Alex Cuevas chia sẻ rằng, nhân sự nên yêu cầu cấp trên hỗ trợ thư giới thiệu (recommendation letter) hoặc giới thiệu về họ trên nền tảng LinkedIn. Thư giới thiệu từ công ty cũ không chỉ là một reference check mà còn giúp nhà tuyển dụng tìm hiểu kinh nghiệm trước đây, kỹ năng làm việc, tính chuyên nghiệp của nhân sự trong công việc. Theo báo cáo từ SHRM (Society for Human Resource Management), 92% nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra chéo trong quá trình sàng lọc hồ sơ. Một nhân sự cho biết đánh giá từ công ty cũ có thể ảnh hưởng tới 50% kết quả của nhà tuyển dụng. Vì thế, bà Cuevas cho biết thế hệ trẻ hiện đã cởi mở hơn trong việc đề xuất những yêu cầu này với công ty để tìm kiếm công việc mới hiệu quả hơn.
Đánh giá từ công ty cũ có thể ảnh hưởng tới 50% kết quả của nhà tuyển dụng
Ngoài ra, nhân sự cũng có thể yêu cầu công ty cung cấp một lá thư chứng tỏ bản thân bị thôi việc như một phần của đợt sa thải lớn chứ không phải vì bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hiệu suất và khả năng làm việc. Nhân sự có thể mang bức thư này đến các buổi phỏng vấn hoặc gửi kèm theo thư xin việc để nhà tuyển dụng tham khảo.
Theo AdAge
Kim Ngọc