Khi nghĩ đến Marketing trong những năm gần đây, có lẽ phần lớn chúng ta sẽ tin rằng những quảng cáo viral hay chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số sẽ là phương thức lan toả mạnh mẽ nhất hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, quảng cáo qua truyền hình và đài phát thanh vẫn đang giữ cường độ hoạt động trong suốt thời gian qua. Liệu 2 loại quảng cáo truyền thống này có còn đóng vai trò lớn trong ngành hay không?
Quảng cáo TV và radio có còn thu hút khán giả?
Từ trước đến nay, việc quây quần theo dõi các chương trình truyền hình vẫn là một nếp sống quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam. Khảo sát từ QandMe – một tổ chức nghiên cứu thị trường tại Việt Nam đã cho thấy, mỗi gia đình vẫn đang sở hữu 1,9 chiếc TV tại nhà. Thói quen xem TV của các khán giả ở thời điểm hiện tại đã thay đổi ít nhiều bởi thay vì đón chờ các chương trình trên sóng truyền hình như một hình thức giải trí chủ yếu, đôi khi TV còn là một phương thức “giết thời gian” trong khi sử dụng các thiết bị công nghệ khác. Dù vậy, trong thời điểm giãn cách xã hội, một khảo sát khác từ Kantar Vietnam đã chỉ ra rằng mỗi người đã dành ra đến gần 290 phút để thực sự xem TV mỗi ngày, thậm chí truyền hình còn thu hút được thêm tệp người xem mới. Một lượng lớn khán giả lớn tuổi hay ở các vùng nông thôn vẫn chờ đón TV như phương thức giải trí lớn nhất, song song với đó là sự gia tăng của người xem trẻ tuổi khi nội dung truyền hình ngày một sáng tạo và trẻ hoá. Như vậy, TV vẫn đang là phương tiện truyền thông cơ bản đóng vai trò quan trọng.
Thường không được nhắc đến nhiều, nhưng lượng booking quảng cáo radio từ các thương hiệu vẫn sôi nổi không kém. Trung bình một người sẽ dành ra 54 phút mỗi ngày cho việc nghe radio với đa dạng thính giả có địa điểm, thời gian và lứa tuổi khác nhau. Kết quả khảo sát từ Kantar Vietnam đã đưa ra con số cụ thể về lượng thính giả nghe đài: khoảng 42% thành thị và 58% nông thôn theo dõi đài VOV1 với phần lớn là 45 tuổi trở lên. Tuy nhiên, lượng người nghe ngày càng được trẻ hoá với 16% người ở độ tuổi 25-34 và 20% số người dưới 24 tuổi. Đối tượng nghe đài cũng trải rộng ở các ngành nghề, từ cán bộ công chức, lao động tự do, nội trợ cho đến kinh doanh, lái xe. Có thể nói, quảng cáo dạng phát thanh vẫn hoạt động bền bỉ, giúp một số thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Biểu đồ thể hiện thời gian trung bình mà thính giả dành cho việc nghe Radio mỗi ngày
Yếu tố nào giúp quảng cáo truyền thống giữ vững vị thế?
Quảng cáo truyền hình
Với mật độ phủ sóng lớn, không thể phủ nhận rằng truyền hình đã đem đến một lượng Reach đáng kể. Ở thời điểm hiện tại, TV vẫn vô cùng phổ biến cho mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề hay phong cách sống, dù ở nông thôn hay thành thị. Bất chấp quỹ thời gian hạn hẹp cùng đa dạng sự lựa chọn cho giải trí, giới trẻ ngày càng được thu hút khi truyền hình đang dần trở nên sáng tạo hơn với những nội dung gần gũi cho mọi độ tuổi, hay những chương trình đặc thù theo khung giờ phù hợp với từng nhóm người xem. Vì vậy, TV không chỉ là lãnh địa quảng cáo cho tệp khách hàng lớn tuổi, mà hiện nay rất nhiều quảng cáo trẻ trung, hiện đại cũng có mặt trên sóng truyền hình.
Quảng cáo Zalo mang phong cách hiện đại và trẻ trung trên sóng truyền hình
Ngoài ra, dù thói quen xem TV có nhiều thay đổi nhưng đây vẫn là phương thức truyền tải thông điệp quan trọng trong quảng cáo. Là dạng truyền thông đại chúng chính thống có tương tác một chiều thay vì đối thoại như các trang mạng xã hội hay phương thức quảng cáo kỹ thuật số khác, người xem vẫn coi TV như một nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy, dễ tiếp nhận, từ đó có thể định hình nhận thức của khán giả về thương hiệu.
Quảng cáo Coca Cola mùa Tết với nội dung ý nghĩa cho nhiều đối tượng khán giả
Không chỉ tạo ấn tượng cho khán giả ở những bước đầu tiên, quảng cáo TV còn có sức ảnh hưởng lớn đến hiệu quả trong Digital Marketing và doanh số bán hàng. Thói quen xem truyền hình dù ít nhiều thay đổi nhưng vẫn có đến 47% người xem tìm kiếm sản phẩm trên Internet và 35% quyết định mua hàng sau khi được tiếp cận với quảng cáo. Vì vậy, hiệu quả cho tiếp thị kỹ thuật số sẽ được tối ưu hoá khi có phương tiện truyền thông đại chúng làm tiền đề cho thái độ của khách hàng với thương hiệu.
Biểu đồ cho thấy tác động của quảng cáo truyền hình lên khán giả
Quảng cáo qua radio
Trong khi đó, radio dù không có độ phủ sóng cao như truyền hình trong thời điểm hiện tại, nhưng vẫn đang là một kênh quảng cáo uy tín khi lượng thính giả khá phong phú. Với những con số thống kê kể trên, có thể nói radio vẫn đem đến lựa chọn đa dạng về các kênh và khung giờ để các nhãn hàng linh hoạt trong việc quảng cáo qua đài.
Quảng cáo Radio của thương hiệu mì Gấu Đỏ
Hơn nữa, việc nghe đài hiện nay không còn bị giới hạn như trước đây, khi thính giả chỉ cần có một chiếc điện thoại, tải app và có thể nghe đài bất cứ đâu. Sự tiện lợi kèm theo lượng người nghe ổn định giúp cho radio vẫn đang hoạt động hiệu quả. Nhờ vậy, các thương hiệu trong ngành ngân hàng, công nghệ, vật liệu xây dựng… vẫn đang tin tưởng lựa chọn radio là một trong những trạm quảng bá thông tin tới mọi tầng lớp, lứa tuổi và ngành nghề.
Quảng cáo qua đài phát thanh của Nam Á Bank bên cạnh những chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số
Điểm sáng của loại hình quảng cáo này chính là có thể tối giản nhân sự cũng như tiết kiệm ngân sách hơn so với những cách tiếp thị khác mà vẫn đem đến kết quả tốt cho các thương hiệu. Một TVC hoành tráng có thể vô cùng mãn nhãn, và quảng cáo chỉ bằng giọng nói cũng có khả năng tạo được ấn tượng riêng. Nhờ không có yếu tố hình ảnh, thính giả sẽ tập trung duy nhất 1 giác quan vào đoạn giới thiệu sản phẩm, đồng thời được kích thích trí tưởng tượng nhiều hơn. Tuy vẫn là dạng truyền thông tương tác một chiều, nhưng radio đem đến những cảm nhận và hình dung khác nhau, từ đó thu hút sự hứng thú của người nghe.
Quảng cáo truyền thống có tiếp tục toả sáng trong tương lai?
Trước sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, có thể thấy quảng cáo truyền thống dù đem lại hiệu quả nhưng không còn giữ vị thế độc tôn như trước đây. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc kĩ càng của marketer khi lựa chọn sóng truyền hình hay đài phát thanh là kênh tiếp thị và đặt ra câu hỏi: Liệu đây có phải là nơi thu hút tệp khách hàng mục tiêu hay không? Nội dung như thế nào có thể phủ sóng rộng rãi? Liệu các hoạt động quảng cáo này có đem lại lợi ích về mặt thương hiệu đáng kể so với ngân sách bỏ ra không? Đây cũng là lí do những TVC hiện nay là những thương hiệu đặc thù hoặc các sản phẩm dễ dàng phổ biến đại chúng, chẳng hạn như các nhãn hàng dược phẩm, nhu yếu phẩm, ngân hàng, vật liệu xây dựng,…
Sóng truyền hình vẫn đang là mặt trận quảng cáo thu hút các nhãn hàng
Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn, kéo theo những đợt giãn cách xã hội, các loại hình quảng cáo truyền thống lại càng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Khi nhịp sống chậm lại và những phương tiện công nghệ đôi lúc nhàm chán, hẳn mọi người sẽ có xu hướng tìm sự thú vị bằng những hoạt động truyền thống hơn. Cuộc sống “bình thường mới” sẽ tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo đến gần hơn với khán thính giả, dần dần tạo thói quen dành thời gian nhiều hơn cho việc giải trí truyền thống. Đây chính là thời điểm vàng cho các marketer trong việc phổ biến rộng rãi hình ảnh của thương hiệu trong thời gian tới.
Kết luận
Công nghệ phát triển, xu hướng của người dùng thay đổi mở ra cho marketer nhiều cân nhắc lựa chọn những giải pháp sáng tạo mới mẻ và thú vị hơn. Điều này không đồng nghĩa với việc tiếp thị truyền thống đã thoái trào, trái lại, còn là trợ thủ đắc lực cho thương hiệu và đẩy mạnh quảng cáo kỹ thuật số. Nếu tối ưu các hoạt động truyền thông đại chúng với chiến lược và nhóm khách hàng hợp lý, hiệu quả cho Digital Marketing và doanh số bán hàng thậm chí sẽ còn được gia tăng hơn nhờ việc củng cố hình ảnh của thương hiệu.
Ngọc Hân | Advertising Vietnam