Bắt đầu bùng nổ vào năm 2004, Influencer Marketing 17 năm sau vẫn được xem là một chiêu thức tiếp thị sinh lời. Theo kết quả báo cáo của Benchmark, thị trường Influencer Marketing đã thu về 1,7 tỷ đô la vào năm 2016, đạt 13,8 tỷ đô la vào năm 2021 và được dự đoán sẽ chạm mốc 16,4 tỷ đô vào cuối năm 2022, cho thấy một sự tăng trưởng ổn định trong nhiều năm liền.
Thế nhưng, mỗi khi một chiến thuật tiếp thị trở nên quá phổ biến, các nhà tiếp thị sẽ bắt đầu tự hỏi liệu nó đã đạt đỉnh lưu và bắt đầu mất đi hiệu quả hay chưa? Giống như trường hợp của SEO, Email marketing và thậm chí Facebook marketing đang dần mất đi thế độc tôn sau một khoảng thời gian tồn tại, và buộc phải cải tiến để phù hợp với nhu cầu của thương hiệu cũng như hành vi của người dùng. Đã tồn tại hơn 17 năm kể từ khi mạng xã hội bùng nổ trên toàn cầu, liệu Influencer Marketing có đang bắt đầu xuống dốc?
Vẫn đang đóng vai trò chiến lược
Influencer Marketing là sự hợp tác giữa thương hiệu và những người có sức ảnh hưởng nhằm thay đổi hành vi/suy nghĩ của khách hàng. Influencer sẽ đóng vai trò như một “người đồng sáng tạo nội dung”, sử dụng hình ảnh và tiếng nói của mình để tạo ra những nội dung đa định dạng được đăng tải trên đa nền tảng. Vì Influencer là những những cá nhân đại diện cho một thị trường ngách, được xem là chuyên gia đáng tin cậy và là một gương mặt gần gũi thân thuộc với cộng đồng người theo dõi trực tuyến, những nội dung do Influencer tạo ra có thể tác động đến quyết định mua hàng, giúp thương hiệu tiếp cận rộng hơn khách hàng tiềm năng.
Châu Bùi là Influencer có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ Việt với con số 3,2 triệu người theo dõi trên Instagram.
Xét trên bản chất đó, Neil Patel, chuyên gia marketing, đồng sáng lập các công ty phân tích số liệu khách hàng Crazy Egg, HP và Viacom cho rằng Influencer Marketing vẫn sẽ còn giữ nguyên sức mạnh miễn là các Influencer vẫn còn sức ảnh hưởng nhất định với người dùng. Theo đó, có tới 93% người thuộc thế hệ Millennials (cũng là đối tượng mục tiêu chính của hầu hết các thương hiệu) tin tưởng vào nội dung do Influencer tạo ra, đánh giá chúng đáng tin cậy như review/đề xuất từ bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Như vậy, Influencer Marketing vẫn tác động đến hành vi của người dùng. Nếu có trường hợp ngược lại, lí do sẽ không phải vì Influencer Marketing đang mất dần giá trị, mà vì chính cá nhân Influencer đó hoặc thương hiệu đó đã không làm đúng cách.
Neil Patel cũng chỉ ra rằng, một chiêu thức không thể gọi là lỗi thời nếu nó vẫn còn đang sinh lợi “khổng lồ” cho các thương hiệu. “Dữ liệu cho thấy cứ mỗi một đô la đầu tư cho Influencer Marketing sẽ giúp nhãn hàng tạo ra 6,5 đô lợi nhuận. Với con số lời lãi đó, các nhà tiếp thị sẽ tiếp tục xem Influencer Marketing là một chiến lược quảng cáo quan trọng, là một ‘vũ khí mũi nhọn’ để tăng tương tác và tăng tỉ lệ chuyển đổi khách hàng”, Neil Patel nói.
Deja Vu – Nhiều quá thì mất hay
Thế nhưng, Neil Patel cũng thừa nhận rằng Influencer Marketing 2022 vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Có thể kể đến việc khán giả ngày càng bớt tin vào những Influencer liên tục nhận nội dung quảng cáo.“Tôi gọi đó là hiện tượng ‘deja vu’ của Influencer Marketing – một trải nghiệm lặp đi lặp lại đến nỗi khán giả đã đoán trước được mánh khóe của các nội dung quảng cáo. Hễ cái gì nhiều quá thì mất hay, Influencer liên tục đăng tải nội dung quảng cáo thì sẽ ít nhận được tin tưởng từ người tiêu dùng”, Neil Patel nói.
Forbes Hàn Quốc vinh danh BTS là những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Hàn Quốc
Theo Influencer Marketing Hub, tính minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định người tiêu dùng có tin tưởng Influencer đó hay không. Trước đây, KOLs được ưa chuộng vì người tiêu dùng thích nội dung của họ hơn là branded-content (nội dung do thương hiệu tạo ra). Nhưng ngày nay, khán giả lại có xu hướng nghi ngờ cả hai. Có 20% người dùng toàn cầu tuyên bố sẵn sàng ngừng theo dõi một Influencer nếu họ không thông báo trước về nội dung quảng cáo hoặc tài trợ. Sau khi thực hiện khảo sát vào nửa đầu năm 2022, Influencer Marketing Hub cũng đưa ra kết luận rằng người tiêu dùng thích tin những Influencer mang phong thái đời thường, càng giống “normal people” (tạm dịch: người có đời sống bình thường) càng tốt. “Khán giả có xu hướng chọn theo dõi một Influencer nếu họ có ngoại hình và hành động giống với nhóm khán giả đó. Mà liên tục tạo ra nội dung quảng cáo thì không phải là một hành động… bình thường”, trang Influencer Marketing Hub viết.
Naomi được đánh giá là một influencer tiềm năng ở cả hai mảng thời trang và âm nhạc.
Ngoài ra, có một sự thật dễ nhận thấy là các chiến dịch áp dụng Influencer Marketing ngày càng dễ đoán, nhiều thương hiệu còn sao chép cách thức từ chiến dịch này sang chiến dịch khác dẫn đến giảm hứng thú của khách hàng. Theo dữ liệu của Influencer Marketing Hub, có tới 56% thương hiệu chọn dùng chung một Influencer cho nhiều chiến dịch khác nhau, mục đích ở đây là để xây dựng mối quan hệ lâu dài với Influencer và tạo ra một hình ảnh đồng nhất cho thương hiệu. Thế nhưng, cách làm này có thể gây ra hiệu ứng ngược là khán giả dễ cảm thấy nhàm chán.
Giải pháp cho thương hiệu
Tái định nghĩa Influencer
Với một số nhãn hàng, Influencer được xem là một kênh tiếp thị và càng có nhiều người theo dõi trực tuyến thì càng hiệu quả. Thế nhưng câu hỏi ở đây không phải họ có bao nhiêu người theo dõi, mà là họ ảnh hưởng đến các followers khi nào? Theo duel.tech, tiếp thị dùng người ảnh hưởng chỉ hiệu quả khi Influencer đó chứng minh được rằng mình thực sự “sống” cùng với thương hiệu. Nếu một người nổi tiếng chia sẻ về một thương hiệu mà họ yêu thích, thì lúc này sức mạnh của word-of-mouth (truyền miệng) mới thực sự phát huy và tạo ra ảnh hưởng với người dùng. Vậy nên, các thương hiệu nên tiếp cận Influencer theo hướng: Làm Influencer thích sản phẩm và thương hiệu của mình trước, tiếp cận người theo dõi của họ sau.
Thảo Tâm là hình tượng có sức hút với đối tượng gen Z
Đặt tiêu chuẩn mới cho Influencer Marketing
Trước đây, mức độ ảnh hưởng, độ phù hợp và hình ảnh tích cực chính là những tiêu chí chung để chọn lựa Influencer cho chiến dịch. Thế nhưng theo kết luận của Influencer Marketing Hub, Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập sẽ trở thành tiêu chuẩn mới cần xem xét trước khi thực hiện một chiến dịch áp dụng Influencer Marketing. Nói nôm na, câu hỏi chính mà các nhãn hàng đặt ra trước khi “chọn mặt gửi vàng” là: Nếu hợp tác với Influencer này, tôi có đang vô tình tạo ra khuôn mẫu và rập khuôn hệ giá trị của thương hiệu hay không?
Alex Fox và Tigre còn là cặp đôi có sức ảnh hưởng trong giới thời trang.
Khôn ngoan trong chọn định dạng và nền tảng
Influencer chính là trọng tâm của Influencer Marketing, thế nhưng thương hiệu cũng nên kiểm soát được định dạng content và cả nền tảng mà Influencer đó xuất hiện. Theo đó, quảng cáo video là một trong những định dạng quảng cáo đem lại hiệu quả hàng đầu. Nội dung video do Influencer tạo ra cũng sẽ thúc đẩy tương tác nhiều hơn, kích hoạt nhiều cú nhấp chuột và tăng tỉ lệ chuyển đổi, đặc biệt là các định dạng video dọc và video tối ưu trên nền tảng di động.
YenJi là beauty blogger mới nổi từ nền tảng TikTok sang Instagram với các clip hướng dẫn đạt 100 nghìn lượt xem và 8,5 triệu lượt thích.
Ngoài ra, theo gợi ý của Influencer Marketing Hub, Instagram là nền tảng hiệu quả nhất đối với các Influencer ngách Lifestyle. Có tới 83% người dùng sử dụng Instagram để tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ mới, và 87% đã thực sự tạo ra hành động cụ thể, chẳng hạn như theo dõi một thương hiệu, ghé thăm cửa hàng bán lẻ của họ hoặc mua hàng.
Trang Instagram của Đen hiện có 1,3 triệu lượt theo dõi, luôn được Đen cập nhật các hình ảnh biểu diễn, hình ảnh đi du lịch của mình để fan có thể dõi theo anh.
Kể từ khi phát triển rộng rãi vào năm 2004, Influencer Marketing 2022 vẫn đang ở thời kì đỉnh lưu với con số lợi nhuận là 16,4 tỉ đô la. Thế nhưng, phương thức tiếp thị này vẫn cần có những cải tiến mới để phù hợp hơn với xu hướng quảng cáo và thị hiếu người dùng – vốn liên tục dịch chuyển vào mỗi năm.
Hằng Trần/Advertising Vietnam