3 Nguyên Tắc “Vàng” Để Thương Hiệu Chinh Phục Gen Z Thời Đại Số
Với sức mua ấn tượng lên đến 360 tỷ USD vào năm 2023 (The Shelf), Gen Z đã chứng minh độ “chịu chơi” của mình. Điều này đặt ra một bài toán khó cho các thương hiệu để “chiều lòng” nhóm khách hàng trẻ tuổi đầy tiềm năng này trong thời đại số.
Mức Độ Ảnh Hưởng Của Gen Z Trong Thời Đại Số
Gen Z là thế hệ “công dân số” thực thụ, lớn lên cùng thời đại công nghệ bùng nổ. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt so với các thế hệ trước về cả quan điểm và hành vi tiêu dùng. Họ không chỉ đơn thuần là người tiêu dùng mà còn là người sáng tạo nội dung, người đánh giá sản phẩm, và người truyền bá thương hiệu. Do đó, việc hiểu rõ và chinh phục Gen Z là một nhiệm vụ cấp bách đối với các thương hiệu muốn duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện nay.
1. Giải Mã Chân Dung Và Hành Vi Khách Hàng Gen Z Trên Nền Tảng Số
Không giống với thế giới thực, hành trình mua sắm trên nền tảng số có những thay đổi nhất định và sự khác biệt của Gen Z so với Gen Y hay Gen X. Để xây dựng chiến lược tiếp cận hiệu quả, thương hiệu cần thấu hiểu chân dung và hành vi của nhóm khách hàng này.
Cá Nhân Hóa Trải Nghiệm
Gen Z mong muốn các trải nghiệm trên nền tảng số được cá nhân hóa theo sở thích, thể hiện bản sắc cá nhân. Họ muốn cảm thấy mình là duy nhất và được thương hiệu đối xử như một cá thể độc lập. Do đó, các chiến dịch marketing nên tập trung vào việc cá nhân hóa nội dung, từ việc gửi các thông điệp riêng biệt cho đến việc gợi ý sản phẩm phù hợp với từng cá nhân.
Nhu Cầu Tương Tác
Gen Z dành phần lớn thời gian để kết nối qua những lượt thích, bình luận, chia sẻ và tham gia các nhóm cộng đồng. Thương hiệu cần tạo ra những nội dung có tính tương tác cao, khuyến khích Gen Z tham gia và chia sẻ quan điểm của mình. Việc xây dựng cộng đồng trung thành từ nhóm khách hàng này là một yếu tố quan trọng giúp thương hiệu phát triển bền vững.
Khả Năng Sàng Lọc Thông Tin
Gen Z có khả năng tìm kiếm, nghiên cứu và phân tích thông tin, đánh giá tính xác thực một cách hiệu quả. Họ không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các chiêu trò marketing thông thường mà luôn tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn trước khi đưa ra quyết định. Do đó, minh bạch và chân thật trong thông điệp truyền thông là yếu tố cần thiết để xây dựng niềm tin với nhóm khách hàng này.
Sở Thích Mua Sắm Trực Tuyến
Gen Z ưa chuộng mua sắm trực tuyến và đòi hỏi dịch vụ giao hàng nhanh chóng với đa dạng hình thức thanh toán. Thương hiệu cần đảm bảo một trải nghiệm mua sắm liền mạch, từ việc dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, quy trình thanh toán đơn giản đến dịch vụ hậu mãi chất lượng.
2. Tiếp Cận Dựa Trên Thông Điệp Truyền Thông Chủ Đạo Của Thương Hiệu
Thông điệp thương hiệu chính là kim chỉ nam dẫn dắt mọi hoạt động, và một thông điệp hiệu quả chỉ khi được truyền thông đúng nền tảng đến đúng đối tượng mục tiêu. Nếu muốn nổi bật giữa thị trường số cạnh tranh gay gắt, tiếp cận bằng thông điệp chủ đạo chính là chiến lược tiếp cận “khôn ngoan” của thương hiệu nhằm chinh phục nhóm khách hàng Gen Z.
Ngôn Ngữ Gần Gũi Và Theo Xu Hướng
Thương hiệu cần sử dụng ngôn ngữ gần gũi và theo xu hướng của Gen Z. Việc này không chỉ giúp thông điệp của thương hiệu trở nên thân thiện hơn mà còn giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận và kết nối với Gen Z.
Lựa Chọn Kênh Truyền Thông Phù Hợp
Mỗi nền tảng mạng xã hội có đặc điểm và đối tượng người dùng khác nhau. Việc lựa chọn đúng kênh truyền thông giúp thương hiệu tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Facebook, Instagram, TikTok và YouTube đều là những kênh truyền thông phổ biến trong cộng đồng Gen Z.
Sản Xuất Nội Dung Sáng Tạo Và Đa Dạng
Nội dung là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân Gen Z. Thương hiệu cần đầu tư vào việc sản xuất nội dung sáng tạo và đa dạng, từ các bài viết, hình ảnh, video đến livestream. Nội dung càng sáng tạo và hấp dẫn, Gen Z càng dễ dàng bị thu hút và tương tác.
Tích Cực Tương Tác Và Khuyến Khích Gen Z Tham Gia
Gen Z mong muốn được tương tác và tham gia vào quá trình tạo ra giá trị của thương hiệu. Thương hiệu cần tích cực tương tác và khuyến khích Gen Z tham gia, từ việc đặt câu hỏi, tổ chức các cuộc thi đến việc khuyến khích họ chia sẻ trải nghiệm của mình.
3. Thu Hút Sự Chú Ý Bằng Chiến Lược Hợp Tác Thương Hiệu (Co-branding)
Hợp tác thương hiệu là một chiến lược hiệu quả để nâng cao nhận thức, giúp thương hiệu “đột nhập” vào các thị trường mới, từ đó tăng cường sức mạnh thương hiệu. Sự hợp tác này sẽ giúp thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ấn tượng độc đáo với đối tượng Gen Z.
Mục Tiêu Rõ Ràng
Cả hai thương hiệu cần hướng đến các mục tiêu cụ thể nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Mục tiêu này có thể là tăng cường nhận diện thương hiệu, mở rộng tệp khách hàng hoặc thúc đẩy doanh số bán hàng.
Hình Ảnh Thương Hiệu Đồng Điệu
Thương hiệu hợp tác cần có hình ảnh uy tín và thể hiện tinh thần đồng điệu. Sự đồng điệu này giúp chiến dịch hợp tác trở nên liền mạch và thuyết phục hơn đối với khách hàng.
Khác Lĩnh Vực Chuyên Môn
Thương hiệu hợp tác nên thuộc các lĩnh vực chuyên môn hay ngành hàng khác nhau để tránh xảy ra xung đột. Sự kết hợp này không chỉ giúp thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Tệp Khách Hàng Mục Tiêu
Thương hiệu hợp tác cần có tệp khách hàng mục tiêu muốn tiếp cận đến. Sự tương đồng trong tệp khách hàng giúp chiến dịch hợp tác trở nên hiệu quả hơn.
Case Study: “Chuyện Tình” MoMo – Starbucks
Chiến dịch hợp tác thương hiệu giữa Momo và Starbucks không chỉ thành công đạt được mục tiêu thu hút sự chú ý của “cư dân mạng” – Gen Z trên thị trường số, mà còn tạo nên chuỗi nội dung bắt trend “tung hứng” khá nhịp nhàng giữa các thương hiệu khác, nhờ vào:
- Hiểu Rõ Chân Dung Và Hành Vi Khách Hàng Mục Tiêu:
Hiểu rằng Gen Z là thế hệ yêu thích công nghệ và trải nghiệm mua sắm trực tuyến tiện lợi, sự hợp tác giữa MoMo và Starbucks đã đủ thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn đặc biệt, chiến dịch đã khéo léo tận dụng sự nhạy cảm của Gen Z với các câu chuyện hẹn hò yêu đương, và tận dụng cả ngày ngày 06/09 đầy ẩn ý để đăng một trạng thái mập mờ công khai mối quan hệ.
- Lan Tỏa Thông Điệp Truyền Thông Chủ Đạo:
Chiến dịch sử dụng ngôn ngữ trẻ trung kết hợp với từ ngữ “trendy” qua phong cách giao tiếp tự nhiên như cùng trò chuyện với Gen Z. Chọn Facebook là kênh truyền thông chính vì dù Gen Z có hành vi sử dụng nhiều mạng xã hội khác nhau, Facebook vẫn là nơi người trẻ thường xuyên dùng để kết nối và tạo thảo luận nhất. Cuối cùng, thay vì chỉ là bài đăng thông báo hợp tác thông thường, chiến dịch này chọn nền tảng “tình yêu” để tăng sự thú vị và tính sáng tạo thu hút Gen Z.
- Hợp Tác Thương Hiệu:
Sự hợp tác giữa MoMo – phương thức thanh toán trực tuyến gần gũi với Gen Z và Starbucks – thương hiệu đồ uống được Gen Z ưa chuộng, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng mà còn giúp hai bên thương hiệu mở rộng tệp khách hàng Gen Z của mình.
Tổng Kết
Gen Z – thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và am hiểu công nghệ – đang dần trở thành lực lượng tiêu dùng chủ lực, mở ra cơ hội to lớn cho các thương hiệu. Các chiến lược tiếp cận Gen Z thời đại số của thương hiệu nên xuất phát từ 3 nguyên tắc: giải mã chân dung và hành vi khách hàng, lan tỏa thông điệp truyền thông và hợp tác với một thương hiệu khác.
Bằng cách áp dụng những nguyên tắc này, các thương hiệu không chỉ thu hút được sự chú ý của Gen Z mà còn xây dựng được mối quan hệ bền vững với nhóm khách hàng trẻ tuổi này, từ đó thúc đẩy sự phát triển và thành công lâu dài trong thị trường số ngày càng cạnh tranh.