Thị trường mua sắm online đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Mỗi tháng, các trang thương mại điện tử lại đem đến cho người tiêu dùng hàng loạt cơ hội mua sắm với giá “sale sập sàn” trong các ngày đôi như 6/6, 7/7, 8/8,…. Vậy ý tưởng hạ giá hằng tháng trong các ngày đôi này đến từ đâu?
Điểm khởi đầu của chuỗi sự kiện săn sale
Thực chất, những đợt sale này bắt nguồn từ ngày Độc thân (11/11) tại Trung Quốc. Nhờ sự nhanh nhạy của Alibaba, ngày 11/11 đã trở thành lễ hội giảm giá trên 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Tmall, Taobao và Alibaba từ năm 2009 với ý nghĩa giúp hội độc thân tự thưởng cho mình hoặc mua những món quà cho người thân hay bạn bè. .
Không dừng lại ở đó, Alibaba tiếp tục khai thác thêm ngày 12/12, được coi là “người anh em” của ngày Độc thân với cái tên Double 12 Day. Đây là dịp để nhiều nhãn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trước thềm Giáng Sinh và năm mới. Những trang thương mại điện tử muốn biến ngày này thành cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy doanh số, trong khi các thương hiệu lớn đã chiếm ưu thế trong đợt giảm giá 11/11 khổng lồ trước đó. Hàng loạt ứng dụng mua sắm như Lazada, Zalora, Asos,…đều hưởng ứng làn sóng này, góp phần tạo nên sự kiện mua sắm lớn hằng năm, đặc biệt tại các quốc gia châu Á.
Ngày Độc thân (11/11) luôn là đại hội giảm giá siêu lớn của Alibaba
Năm 2016, Shopee tiếp tục mở thêm ngày mua sắm trực tuyến 9/9, phủ sóng tại 6 nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam. Sự kiện mang đến kết quả không tưởng cho sàn thương mại Singapore, với khoảng 6 triệu đơn hàng vào 9/9/2018, gấp 3 lần số giao dịch trong các ngày thường. Thành công từ 3 ngày 9/9, 11/11 và 12/12 đã “mở đường” cho Shopee tiếp tục xây dựng thêm nhiều sự kiện giảm giá vào các dịp Double Day, và bắt đầu thực hiện chiến dịch này hàng tháng từ năm 2020 để tăng tương tác với người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trực tuyến cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trong bối cảnh đại dịch. Các con số ngày đôi giúp sự kiện giảm giá trở nên dễ nhớ hơn, tạo thói quen mua sắm mỗi tháng cho nhiều người. Từ đó đến nay, các đợt giảm giá từ trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Zalora, Tiki… đã đi vào thông lệ với người tiêu dùng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, lan rộng sang nhiều nền tảng mua sắm toàn cầu khác như Zalora, Amazon, Sephora,…
Thành công của các sự kiện săn sale trên sàn thương mại điện tử tại châu Á đã kéo theo xu hướng giảm giá với nhiều ngành hàng khác. Các trang web du lịch như Booking.com hay Hotels.com đã bắt đầu tung ra những ưu đãi như hoàn tiền 9% trong ngày 9/9, chiết khấu 8% vào ngày 8/8,… Các ngân hàng, ví điện tử và ứng dụng xe ôm công nghệ cũng “bắt tay” với các trang mua hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên mọi loại hình tiện ích.
Nhiều ứng dụng bắt đầu hưởng ứng sự kiện giảm giá “Ngày Đôi” với các ưu đãi khác nhau cho người tiêu dùng
Hiệu ứng từ hiện tượng giảm giá “Ngày Đôi”
Năm 2009, khi phong trào giảm giá ngày Độc thân 11/11 được khởi xướng, Alibaba mới chỉ thu hút được 27 thương hiệu bán lẻ tham gia sàn thương mại điện tử. Theo Forbes, con số này đã lên tới 60,000 cửa hàng trực tuyến trong năm 2017, với kỷ lục bán hàng toàn cầu là 168,3 tỷ Nhân dân Tệ, vượt xa doanh số của cả Black Friday và Cyber Monday tại Mỹ gộp lại. Với đà tăng trưởng của Shopee, sức nóng của thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á lớn hơn bao giờ hết. Doanh số bán lẻ trong ngày 11.11 năm ngoái tại Singapore đã tăng tới 477% và Malaysia với 132% so với năm 2019.
Năm 2018, Việt Nam ghi nhận 33,6 triệu người tham gia mua hàng trực tuyến, đặc biệt là với các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm hay công nghệ. Các trang thương mại điện tử tiếp tục tăng 45% lượng truy cập website và đạt mức kỷ lục với 68,6 triệu lượt chỉ trong vòng 3 tháng vào năm 2020.
Nhờ thực hiện các chiến dịch “Ngày Đôi” thành công, Shopee trở thành nền tảng thu hút nhất với người tiêu dùng
Sức hút của sự kiện “Ngày Đôi” đến từ đâu?
1. Các đợt sale thu hút lượng khách hàng mới
Với độ phủ sóng rộng rãi và cách thức mua hàng dễ dàng, các sự kiện giảm giá tạo ra nhiều cơ hội để thương hiệu mở rộng tệp khách hàng, giúp tăng doanh số. Bằng cách đưa ra mức giá thấp, sàn thương mại điện tử không chỉ đem về nhiều đơn hàng từ khách hàng quen, mà còn tạo tâm lý hiếu kỳ cho hàng triệu người tiêu dùng khác đang “lang thang” tìm mã giảm giá trên ứng dụng. Khi chọn được các ưu đãi hợp lý, khách hàng mới sẽ có xu hướng dễ dàng chấp thuận mua sản phẩm để trải nghiệm và sử dụng.
Áp dụng nhiều thể lệ săn ưu đãi thú vị, các sàn thương mại điện tử ngày càng thu hút nhiều lượng truy cập mỗi tháng
2. Tăng tần suất mua hàng
Các đợt giảm giá hấp dẫn sẽ khiến người tiêu dùng mở ứng dụng và ghé thăm cửa hàng trực tuyến thường xuyên hơn. Lúc này, nhu cầu tích trữ sản phẩm quen thuộc hoặc các nhu cầu mới sẽ được phát sinh để sử dụng những ưu đãi sẵn có. Cùng với lượng truy cập ngày một lớn qua từng đợt giảm giá, mỗi tháng doanh nghiệp lại có thêm đơn hàng xoay vòng từ các khách hàng trước đây. Chiêu thức này cũng là cách tăng độ trung thành của người tiêu dùng khi mua một sản phẩm nhất định tại cửa hàng quen thuộc.
3. Nắm bắt xu hướng qua dữ liệu của người tiêu dùng
Dựa trên lượng tìm kiếm, truy cập hay loại sản phẩm được bỏ vào giỏ, các trang thương mại điện tử có thể hiểu sở thích của từng cá nhân để tùy chỉnh danh sách sản phẩm được hiển thị trên trang chủ cho phù hợp. Phương thức cá nhân hoá sẽ khiến người dùng mong muốn dành thời gian lâu hơn trên ứng dụng và có khả năng quyết định mua hàng. Ngoài ra, đây cũng là cách tìm hiểu thị hiếu và xu hướng mua sắm nhằm tìm ra danh mục sản phẩm có doanh thu lớn, từ đó điều chỉnh các chiến lược quảng bá và mức ưu đãi cho từng ngành hàng.
Xu hướng mua sắm mới trong tương lai
Trong bối cảnh đại dịch, các trang mua sắm đã trở thành cửa hàng bách hoá khổng lồ và toàn năng với đầy đủ mặt hàng thiết yếu, thay vì chỉ tập trung vào thời trang, mỹ phẩm, sách hay công nghệ như trước kia. Từ nhu cầu mua hàng đặc thù, giờ đây nhiều người dần có thói quen tìm mua nhu yếu phẩm trên các ứng dụng mua sắm. Năm 2020, loại hình bách hoá trực tuyến đã tăng đến 45% lượng truy cập trên website và là ngành hàng duy nhất tiếp tục tăng trưởng thêm 13% vào 3 tháng đầu năm 2021.
Các sàn thương mại điện tử dần trở thành siêu thị bách hoá lớn quen thuộc với nhiều người tiêu dùng
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa sàn thương mại trực tuyến với các ngân hàng và ví điện tử đem đến nhiều mức ưu đãi lớn, góp phần thay đổi thói quen thanh toán từ tiền mặt sang hình thức giao dịch online. Những chương trình giảm giá hàng tháng còn thúc đẩy nhiều hoạt động quảng cáo như xây dựng chiến lược, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội hay sự nổi lên của tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing).
Tạm kết
Chiến dịch giảm giá “Ngày Đôi” là một chiêu thức vô cùng thông minh khi có thể tạo nhiều cơ hội tăng doanh thu cho các cửa hàng nhỏ lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời gia tăng trào lưu mua sắm trên nhiều ngành hàng. Bắt nguồn từ một câu chuyện đời thường, giờ đây các sự kiện săn ưu đãi đang ngày càng bùng nổ đúng thời điểm và hình thành nên xu hướng mua sắm mới trong tương lai gần.
Ngọc Hân | Advertising Vietnam
Tổng hợp