Theo nghiên cứu do Kantar công bố, hầu hết người tiêu dùng muốn có một cuộc sống bền vững hơn, nhưng chi phí tăng cao khiến họ… ngừng theo đuổi. Dưới đây là 3 cách các thương hiệu có thể làm để giúp tất cả người tiêu dùng giảm bớt tác động của họ lên hành tinh, cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng.

Theo Bloomberg, ống hút, giày thể thao, quần áo và bao bì thân thiện với môi trường thường đắt hơn các sản phẩm thông thường. “Điều này đồng nghĩa chúng không phải là lựa chọn ‘tốt cho ví tiền’ của khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu kể cả khi họ rất muốn sống bền vững”, Bloomberg viết.

Alexis Benveniste, cây bút Bloomberg nói với CBS News rằng: “Ngành hàng bền vững đang ngày càng nở rộ. Nhưng họ sẽ không thể mở rộng quy mô nếu khách hàng ngại chi tiền cho một sản phẩm ‘thân thiện’ bởi vì nó quá đắt”. 

Lúc này, bài toán đặt ra cho thị trường hàng bền vững chính là làm sao để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng nhất với lối sống xanh. Dưới đây là 3 gợi ý của The Drum để giải quyết vấn đề này

Điều chỉnh chi phí

Báo cáo cho thấy rằng hơn 3/4 người tiêu dùng (77%) tin rằng các sản phẩm bền vững đắt hơn, do đó lối sống xanh chỉ “dành riêng cho người giàu có”. Lối định nghĩa này đã khiến các thương hiệu có nguy cơ bỏ lỡ nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng, nhất là khi báo cáo về chỉ số bền vững của Kantar cho thấy rằng đây là nhu cầu phổ biến trong tương lai. 

Báo cáo cho thấy rằng hơn 3/4 người tiêu dùng (77%) tin rằng các sản phẩm bền vững đắt hơn, do đó lối sống xanh chỉ “dành riêng cho người giàu có” 

Theo đó, nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn với 33.000 người tiêu dùng ở 32 quốc gia khác nhau. Các phát hiện cho thấy rằng, thái độ và hành vi mua sắm bền vững của người tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao. Karine Trinquetel, Giám đốc toàn cầu về mảng chuyển đổi tính bền vững của Kantar cho biết: “Thông thường, các sản phẩm bền vững có giá cao hơn và điều này cản trở việc mô hình sống xanh trở nên phổ biến. Người tiêu dùng rất thất vọng khi giá cả ngăn họ có một lối sống lành mạnh hơn. Phần lớn đều bày tỏ mong muốn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng các thương hiệu phải đảm bảo chúng có giá cả phải chăng”, Trinquetel nói. 

Phổ cập kiến thức để tăng động lực mua hàng 

Theo Kantar, các thương hiệu trong ngành hàng bền vững chưa thực sự làm tốt công việc quảng bá cho chính thị trường của mình. Người tiêu dùng hiểu biết mơ hồ về sản phẩm bền vững, nhưng lại chưa nắm rõ cách phân loại, mua sắm ở đâu và ứng dụng như thế nào. Báo cáo của Kantar cho thấy có tới 57% người tiêu dùng cảm thấy khó để phân biệt sản phẩm nào là tốt và xấu cho môi trường.

Người tiêu dùng hiểu biết mơ hồ về sản phẩm bền vững, nhưng lại chưa nắm rõ cách phân loại, mua sắm ở đâu và ứng dụng như thế nào

Chứng tỏ nỗ lực vì cộng đồng 

Không chỉ là những lời hô hào, người tiêu dùng mong đợi nhiều nỗ lực hơn ở các thương hiệu trong công cuộc bảo vệ môi trường. Đối với họ, việc giải quyết vấn đề sinh thái sẽ khác nhau đối với từng ngành hàng cụ thể. Theo kết luận của Kantar, khách hàng tham gia khảo sát cho rằng họ mong các công ty trong 24 lĩnh vực khác nhau – bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch và thời trang – giải quyết các vấn đề như bao bì không thể tái chế, sự tiêu thụ quá mức và xử lý chất thải. “Mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng chính là lượng carbon ở ngoài môi trường. Họ có xu hướng xem xét lượng khí thải của một công ty, mức độ tác động của chúng lên nhiệt độ toàn cầu. Từ đó, mới quyết định mua hàng”, Trinquetel nói.

Không chỉ là những lời hô hào, người tiêu dùng mong đợi nhiều nỗ lực hơn ở các thương hiệu trong công cuộc bảo vệ môi trường

Báo cáo của Kantar gợi ý các thương hiệu nên cân nhắc vấn đề chi phí nếu muốn các sản phẩm bền vững của mình đến được tay nhiều người tiêu dùng hơn. “Ngoài ra, không chỉ trong sản phẩm, doanh nghiệp nên kiểm soát cả lượng carbon trong quá trình sản xuất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững của họ”, Trinquetel nói với The Drum. 

Hằng Trần