Mới đây, Hootsuite cho ra mắt Social Media Career Report, khảo sát hơn 3.800 social media marketer ở mọi cấp độ từ nhân sự thực thi, quản lý cho đến C-Suite về thực trạng nghề nghiệp của các nhân sự trong lĩnh vực Social Media Marketing.
Đáng chú ý, báo cáo đã chỉ ra rằng trong khi có 61% social media marketer cho rằng truyền thông qua mạng xã hội là một “nghề nghiệp lâu dài” và 77% hài lòng với vai trò hiện tại, có gần 25% người được khảo sát nói rằng họ có ý định ngừng làm việc trong lĩnh vực social media marketing vào tháng 04/2024. Cùng điểm qua một số phát hiện nổi bật của báo cáo qua bài viết dưới đây!
Vì sao ngày càng có nhiều Social Media Marketer muốn rời bỏ ngành?
Nhìn chung, phần lớn các nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội đều có mức độ gắn bó cao với công việc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tỷ lệ 25% nhân sự có ý định rời bỏ ngành là một con số đáng quan ngại và xu hướng này sẽ tiềm ẩn nhiều thách thức trong tương lai. Elina Vilk, Giám đốc Tiếp thị của Hootsuite cho biết xu hướng này xuất phát từ việc nhiều nhân sự cảm thấy phẫn nộ về việc giá trị và vai trò của họ bị xem nhẹ trong các chiến dịch truyền thông của thương hiệu và agency. Cụ thể, ông chia sẻ: “Social media marketer có thể là một trong những người hiểu biết nhất về khách hàng của thương hiệu. Tuy nhiên, những gì họ làm và giá trị họ mang lại không được hiểu biết và nhìn nhận đầy đủ. Điều này có thể khiến tinh thần của các nhân sự này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người làm việc chăm chỉ và cùng lúc đảm nhận rất nhiều vai trò trong một dự án”.
Vai trò không được nhìn nhận đúng cách là lý do chính ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của social media marketer
Ngoài ra, bà Vilk cũng cho biết yếu tố có thể khiến hầu hết các social media marketer cân nhắc chuyển đổi nghề nghiệp là vì vai trò của chiến lược truyền thông mạng xã hội bị đánh giá thấp bởi các thương hiệu và agency nơi họ làm việc. Khoảng một nửa số người trả lời cuộc khảo sát của HootSuite nói rằng họ thiếu thời gian hoặc ngân sách để thực hiện tốt công việc của mình và 56% tin rằng sếp của họ vẫn “không hiểu mạng xã hội”.
“Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào mạng xã hội, nhưng họ không biết tác dụng của mạng xã hội và không thể trả lời các câu hỏi ‘Liệu social media có phải là chiến lược cải thiện tương tác không? Đó có phải là giá trị thương hiệu? Đây có phải là một mini-game để giữ chân khách hàng không?’ Kết quả là họ không đầu tư đủ nhiều vào nó”, bà Vilk lý giải.
Một báo cáo khác từ nền tảng quản lý phương tiện truyền thông xã hội Sprout Social cũng nhấn mạnh sự nhầm lẫn và mơ hồ xung quanh việc đo lường tác động của social media. Theo báo cáo đó, các nhà lãnh đạo thương hiệu và agency ở cấp điều hành trở lên chủ yếu xem xét các số liệu tương tác như thích (like) hoặc bình luận (comment) làm số liệu chính và thậm chí là duy nhất để xác định hiệu suất trên mạng xã hội. Trong khi các, các nhân sự thực thi chính trong các chiến dịch social media xem xét một phạm vi của các số liệu bao gồm phạm vi tiếp cận (reach), số lần hiển thị (impression) và lưu lượng truy cập (traffic) trên mạng xã hội đến website của thương hiệu.
Hơn một nửa người được khảo sát cho rằng sếp của họ không hiểu mạng xã hội
Báo cáo của Sprout Social cũng tiết lộ 43% trong số 900 nhà tiếp thị xã hội được khảo sát cảm thấy bị “cô lập” trong công ty hoặc thương hiệu của họ, mặc dù hơn 3/4 nói rằng những hiểu biết sâu sắc của đội ngũ nhân sự social media có khả năng hỗ trợ các team liên quan trong quá trình thực hiện chiến lược marketing.
Rachael Goulet, Social Media Director của Sprout Social, cho biết trong báo cáo: “’Thương hiệu có đang thu hút người hâm mộ mới không? Thương hiệu có đang thúc đẩy doanh số bán hàng? Thương hiệu có thể định lượng xem chương trình vận động chính sách đang giúp bạn tiết kiệm bao nhiêu chi phí quảng cáo không?’ Muốn trả lời được những câu hỏi này để thay đổi chiến lược kinh doanh kịp thời, doanh nghiệp cần nói chuyện với các nhân sự nói chung và social media marketer nói riêng để chia sẻ về những giá trị công ty nhận được từ nỗ lực làm việc của họ”
Những thách thức trong công việc đối với Social Media Marketer
Khảo sát của Hootsuite cũng chỉ ra rằng việc đảm nhận cùng lúc nhiều trách nhiệm, từ việc quản lý mạng xã hội, viết nội dung, chụp ảnh, hậu kỳ, quản lý mối quan hệ influencer cho đến thực hiện các công việc khác rộng hơn như PR, Email Marketing và lên kế hoạch cho Event là một trong năm thách thức phổ biến nhất mà các social media marketer đang phải đối mặt.
Cụ thể, hai phần ba số người được hỏi cho biết họ có quá nhiều trách nhiệm với vai trò của một social media marketer và phải làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần. Theo cuộc khảo sát, mỗi nhân sự dự kiến sẽ thực hiện từ 7 – 9 đầu việc (task) đúng chuyên môn và giám sát tối đa 3 nhiệm vụ khác không nằm trong scope of work của social media marketing.
Đặc thù công việc khiến các social media marketer luôn trong tình trạng “always-on”
Elina Vilk cho biết, việc theo dõi các xu hướng truyền thông xã hội luôn thay đổi và theo dõi các câu hỏi hoặc khiếu nại của khách hàng trên các nền tảng xã hội thực sự là một “công việc 24 giờ”. Và với 38% marketer là người duy nhất trong đội ngũ social media của thương hiệu hoặc agency, việc duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống có thể cực kỳ khó khăn.
Allison Wong, Social Media Manager chia sẻ thêm: “Bản chất công việc của các nhân sự trong lĩnh vực này là theo dõi các kênh và thực hiện nghiên cứu, vì vậy có cảm giác như họ luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng làm việc để luôn cố gắng tìm kiếm xu hướng tiếp theo và cải thiện hiệu suất làm việc bản thân. Vì vậy, có thể họ sẽ cảm thấy rất choáng ngợp khi phải luôn kè kè chiếc điện thoại dù là ở công ty hay ở nhà.”
Theo báo cáo, tâm lý “always-on” đó cũng đã khiến sức khỏe tinh thần của nhiều social media marketer trở nên tồi tệ hơn. Trong số 57% người trả lời khảo sát xác định mình có tình trạng sức khỏe tinh thần, 42% cho biết làm việc trên mạng xã hội đã khiến tình trạng đó trở nên trầm trọng hơn.
Sự chênh lệch về lương theo giới tính của nhân sự là một trong những vấn đề lớn của ngành
Ngoài ra, 48% các social media marketer được trả lương cho biết họ cảm thấy không được đền bù xứng đáng cho sự nghiệp của mình và con số đó tăng lên 53% đối với các social media marketer đang làm việc freelance. HootSuite cũng nhận thấy có sự chênh lệch đáng kể về lương theo giới tính trong lĩnh vực social media, với việc các marketer nữ kiếm được trung bình chỉ bằng 76% thu nhập của các đồng nghiệp nam. Thực tế này thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn khi 73% social media marketer là phụ nữ.
“Đã đến lúc Social Media Marketer được nhìn nhận với vai trò của một nhà tiếp thị quyền lực”
Theo khảo sát của HootSuite, mặc dù có rất nhiều bất cập khiến cho nhiều social media marketer cân nhắc việc rời bỏ nghề này, nhưng thực tế là 77% vẫn thích làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Con số này cao hơn 15% so với tỷ lệ trung bình 62% được báo cáo trong cuộc khảo sát về Mức độ hài lòng trong công việc năm 2023 của The Conference Board. Và lý do đơn giản khiến rất nhiều social media marketer yêu thích sự nghiệp của họ là khả năng cho phép họ “sáng tạo mỗi ngày”.
“Sáng tạo” là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của môi trường Truyền thông – Quảng cáo
Sophie Vershbow, người đứng đầu bộ phận Social Media Marketing tại Eventbrite, cho biết: “Sự sáng tạo mà công việc này đòi hỏi là điều thực sự giữ tôi ở lại với nó. Tôi sẽ ghi lại mọi ý tưởng TikTok ngớ ngẩn nhất mà tất cả mọi người từng thấy, thực hiện nó và biến nó thành bài đăng viral nhất tháng. Hiện thực hoá những ý tưởng và tạo ra kết quả tích cực từ ý tưởng đó nhờ mạng xã hội là điều tôi yêu thích nhất trên thế giới.”
“Các nhân sự làm trong lĩnh vực social media marketing ở khắp mọi nơi đang không ngừng xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ với khách hàng tiềm năng và người tiêu dùng. Điều này trực tiếp mang lại doanh thu và tăng trưởng cho tổ chức. Đã đến lúc các đội ngũ lãnh đạo nhận ra tác động của họ với tư cách là những nhà tiếp thị quyền lực”, Irina Novoselsky, Giám đốc Điều hành HootSuite kết luận.
Thảo Vy