Với không gian rộng rãi, thiết kế tiện lợi cùng nhiều ổ cắm điện và đường truyền Internet ổn định, “combo hoàn hảo” này đã khiến nhiều quán cà phê trở thành “văn phòng di động” lý tưởng. Sẽ không quá ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh những người trẻ miệt mài làm việc tại quán cà phê thay vì văn phòng truyền thống. Giờ đây, họ chọn cách “cà phê work” để tận hưởng sự thoải mái, sáng tạo, cũng như dễ dàng kết nối với cộng đồng.
Hình thức “Cà phê work” là gì?
Đúng với cái tên “cà phê work”, không đòi hỏi điều gì phức tạp, đơn giản chỉ cần mang theo laptop đến quán và bắt đầu công việc. Môi trường mới mẻ tại quán cà phê mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, hoàn toàn khác biệt so với sự khuôn khổ của văn phòng hay những hạn chế khi làm việc tại nhà.
“Hai tháng gần đây, thay vì bó hẹp trong văn phòng, mình thường xuyên chọn quán cà phê làm nơi làm việc. Mình may mắn sở hữu công việc không gò bó giờ giấc, cũng như bản chất công việc cho phép ‘làm việc mọi lúc mọi nơi’. Nghĩa là, mình có thể giải quyết mọi việc ở bất cứ đâu, miễn là có kết nối mạng.”, M.T (1999, Freelancer) hài hước chia sẻ.
M.T cũng cho biết, không gian quán cà phê chỉ có mình và những người lạ xung quanh, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân tập trung tối đa vào công việc. Hơn nữa, tâm lý e ngại ánh nhìn từ người khác về màn hình laptop, lo sợ bị phát hiện đang lướt Facebook hay chơi game vô tình trở thành động lực làm việc.
Ngày nay, văn hóa ứng xử không chỉ gói gọn trong phạm vi trường học, công ty mà còn được quan tâm tại những địa điểm công cộng, cụ thể là quán cà phê. Hình thức làm việc tại quán cà phê đã làm thay đổi ít nhiều văn hóa cà phê trước đây, khi mô hình kinh doanh này chỉ dùng cho việc vui chơi và trò chuyện.
Tất nhiên, hình thức “cà phê work” vẫn phải đảm bảo cách ứng xử phù hợp, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với những người xung quanh khi sử dụng dịch vụ chung tại quán. Việc lựa chọn im lặng hay nói chuyện khi đi cà phê không thể đánh giá một cách cứng nhắc mà còn tùy thuộc vào mô hình của quán cà phê.
K.C (2003, nhân viên part-time tại quán Cà phê A) chia sẻ rằng quán cà phê A thường chia thành 2 không gian riêng biệt là sân vườn và máy lạnh. Nhiều khách chọn ra ngồi bên ngoài để thoải mái trò chuyện mà không ảnh hưởng tới ai. Hoặc nếu ngồi trong, họ sẽ chọn một góc xa nơi mọi người đang làm việc. Điều này góp phần tạo nên văn hóa cà phê lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.
Tiêu chí chọn quán cà phê “chuẩn chỉnh”
Nhờ vào hình thức “cà phê work” đang ngày càng phổ biến, thị trường quán cà phê cũng trở nên sôi động hơn hẳn. Thay vì giới hạn trong những món cà phê quen thuộc, các quán cà phê ngày nay đang không ngừng đa dạng hóa thức uống, món ăn, đồng thời nâng cấp không gian để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tuy nhiên, để quán cà phê trở thành “điểm dừng chân” quen thuộc của nhiều người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
K.P (2000, Marketing Executive) tiết lộ rằng mặc dù thường xuyên đến quán cà phê để làm việc nhưng bản thân không thể uống cà phê vì dễ bị say. Thay vào đó, K.P sẽ gọi nước ép hoặc trà trái cây. Tuy nhiên, điều thú vị là K.P lại rất thích ngửi mùi cà phê và sẽ lựa chọn những quán cà phê có mùi đặc trưng này.
“Mùi hương luôn có mối liên kết mật thiết với trạng thái cơ thể, và cà phê cũng không ngoại lệ. Mùi hương nồng nàn của cà phê có khả năng kích thích tinh thần, giúp tăng thêm niềm hứng khởi. Hãy thử tưởng tượng bạn đang ở trong một căn phòng thơm nức mùi cà phê, tinh thần dâng cào và những deadline bỗng trở nên nhẹ nhàng biết bao”, K.P hào hứng chia sẻ.
Khác với K.P, T.N (1999, Senior Content) cho biết yếu tố quan trọng nhất khi chọn quán cà phê để làm việc chính là việc quán có đầy đủ ổ cắm điện hay không: “Mặc dù ngày nay, hầu hết các quán cà phê đều trang bị đầy đủ ổ điện để đáp ứng nhu cầu làm việc của khách hàng, nhưng vẫn còn tồn tại một số quán gặp tình trạng thiếu hụt ổ cắm. Lý do có thể xuất phát từ việc các quán này thiết kế hai loại bàn ghế riêng biệt: một loại dành cho những khách hàng gặp gỡ bạn bè và loại còn lại dành cho những người đến làm việc. Loại bàn dành cho việc gặp gỡ bạn bè thường có diện tích rộng rãi hơn nhưng lại được trang bị ít ổ điện hơn. Điều này khiến cho việc tìm kiếm ổ cắm để sạc laptop trở nên khó khăn, đặc biệt là vào những lúc quán đông khách”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn của T.N là G.M có chia sẻ thêm, trải nghiệm làm việc tại quán cà phê không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt là khi gặp phải vấn đề Wifi “lẹt đẹt”. Không ít lần, G.M chọn những quán cà phê nổi tiếng, tin tưởng vào chất lượng dịch vụ, nhưng lại thất vọng vì Wifi chậm chạp, thậm chí không thể truy cập được: “Mua nước rồi, đành ‘ngậm đắng nuốt cay’ ngồi lại, tự phát Wifi từ điện thoại cho laptop. Việc kết nối chập chờn, tốc độ tải trang chậm khiến công việc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hiệu quả và tâm trạng”.
Thay vì ngồi mãi trên văn phòng, kéo cả team ra quán cà phê làm việc cũng là sáng kiến hay ho
Một số người dễ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mới, bao gồm cả việc chọn quán cà phê làm nơi làm việc. Ví dụ như chứng kiến nhiều người “đổ xô” làm việc tại quán cà phê, không ít người cũng bị ảnh hưởng và có xu hướng làm theo, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp và sôi động.
T.B (1997, Content Management) tiết lộ rằng các đồng nghiệp thường xuyên bắt gặp những video TikTok về hình thức “cà phê work” của giới trẻ và cảm thấy rất thú vị. Sau đó, họ bắt đầu rủ rê T.B và cả team cùng ra quán cà phê làm việc để thay đổi môi trường, nâng cao hiệu quả công việc. Ban đầu, T.B không mấy thiện cảm với việc này bởi quan điểm “làm ra làm, chơi ra chơi”. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm làm việc tại quán cà phê vài lần, T.B nhận ra hiệu quả tích cực từ việc này và quyết định áp dụng văn hóa mới cho team của mình: mỗi tuần sẽ có một ngày team Content được tự do làm việc tại quán cà phê mà không bị gò bó về không gian.
Đồng nghiệp của T.B, người khởi xướng cho hình thức “cà phê work” tại công ty cũng tâm sự rằng, công việc sáng tạo nội dung đòi hỏi sự đổi mới và nguồn cảm hứng mới mẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại môi trường làm việc tại văn phòng có thể khiến mọi người cảm thấy bí bách và cạn kiệt ý tưởng: “Vì vậy, tôi thường xuyên chọn quán cà phê làm nơi làm việc chung cho mọi người. Thay vì ra cafe một mình, cả team cùng đi sẽ vui hơn rất nhiều, các vấn đề cũng sẽ được giải quyết trực tiếp mà không cần chờ tin nhắn luôn”.
Có một sự thật bất ngờ rằng, tiếng ồn tại quán cà phê không chỉ đơn thuần là âm thanh hỗn tạp mà còn là yếu tố chính tác động đến sự sáng tạo. Theo nghiên cứu vào năm 2012 của Ravi Mehta (Trường đại học Illinois tại Mỹ), tiếng ồn ở mức độ vừa phải (khoảng 70 dB) kết hợp với tiếng ồn nhỏ (khoảng 50 dB) có thể kích thích khả năng sáng tạo. Điều này được lý giải rằng, tiếng ồn ở mức độ trung bình tại các quán cà phê giúp khuyến khích não bộ hoạt động linh hoạt hơn, từ đó tạo điều kiện cho những ý tưởng mới mẻ nảy sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu tiếng ồn quá cao (85 dB) sẽ có tác dụng ngược lại.
Như Quỳnh
Họa sĩ: Huy Mai
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.