Các nhà vận động môi trường từ lâu đã cảnh báo về sức tàn phá của việc đi máy bay đối với môi trường. Cụ thể hàng không là một ngành tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, số liệu mới nhất cho thấy ngành này sử dụng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tạo ra 2,5% tổng số khí carbon phát thải trên toàn cầu. Hơn nữa, di chuyển bằng máy bay là một nhu cầu thiết yếu của người dân và số người chọn máy bay làm phương tiện di chuyển đã ngày một tăng. Ngoài ra, không như các ngành khác có thể chuyển đổi sang giải pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường (ví dụ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đèn LED tiết kiệm điện năng), hiện không có cách nào để vận chuyển 8 triệu người cùng hàng hóa trên bàu trời mỗi ngày mà không phải tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng có một thứ tưởng chừng như vô hại đến môi trường nhưng lại gây ra ô nhiễm hơn cả ngành hàng không, đó chính là Internet. Theo báo cáo mới đưa ra từ The Shift Project, lượng khí thải carbon của các thiết bị, Internet và các hệ thống hỗ trợ chiếm khoảng 3,7% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, cao hơn mức 2,5% từ việc di chuyển bằng máy bay.
Thực tế, mỗi tác vụ trên Internet đều tạo ra một lượng carbon nhỏ, ví dụ khi chúng ta gửi email, server của sẽ dùng điện để khởi tạo, lưu trữ và chuyển dữ liệu để gửi email, và việc sử dụng điện đã tạo ra năng lượng và tạo ra khí thải carbon. Tuy lượng điện rất nhỏ nhưng nếu hàng tỷ người trên thế giới cùng thực hiện nhiều tác vụ khác nhau trên Internet sẽ khiến lượng carbon tăng nhanh, gây ô nhiễm môi trường.
Lượng khí thải carbon sản sinh ước tính khi thực hiện tác vụ gửi email.
Hiểu được mối nguy hại trên, các digital marketers đã đưa ra lời khuyên nhằm biến Internet trở nên “xanh” hơn, góp phần bảo vệ môi trường khỏi sự thay đổi khí hậu sẽ diễn ra trên toàn cầu trong thập kỷ tiếp theo.
Dùng A.I. để giảm lượng khí thải carbon
Paul Coggins, Giám đốc điều hành của Adludio, cho biết: “Như một ‘bóng ma’ trong ngành công nghiệp quảng cáo trực tuyến, từ lâu các marketer đã bỏ qua tác động tiêu cực của chúng đối với môi trường. Các số liệu thống kê cho thấy Internet hiện gây tác động xấu đến môi trường hơn so với ngành hàng không và con số này dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Tuy nhiên, có những điều các marketer kỹ thuật số có thể làm ngay bây giờ để cắt giảm lượng khí thải carbon: tối ưu hóa các tài sản kỹ thuật số (digital assets). Bằng cách này, chúng ta sẽ cắt giảm được mức năng lượng và số lượng server cần thiết để lưu trữ tài sản kỹ thuật số. Thay vào đó, hãy tận dụng những hệ thống trí thông minh nhân tạo (A.I.) để xác định các tài sản kỹ thuật số tối ưu nhất về mặt thương mại, giúp tăng hiệu quả của truyền thông đồng thời giảm thiểu lượng dữ liệu tải xuống của khách hàng, từ đó tiết kiệm năng lượng và băng thông Internet trên diện rộng. Ngoài ra, hệ thống AI cũng giúp marketer xác định đúng tệp khách hàng mục tiêu, nhằm loại bỏ những mục tiêu ‘không liên quan’, qua đó giảm được năng lượng cần thiết để lưu trữ và truyền tải dữ liệu”.
Các Marketer có thể tận dụng những hệ thống trí thông minh nhân tạo (A.I.) để xác định các tài sản kỹ thuật số tối ưu nhất về mặt thương mại.
Đưa “tính bền vững” trở thành một chỉ số có thể đo lường được khi phát triển kế hoạch truyền thông
Andrew Turner, Giám đốc Doanh thu tại Incubeta nói: “Các nhà tiếp thị cần tính toán lượng carbon tạo ra trong các chiến dịch truyền thông của mình, và sau đó thực hiện các quy trình để bù đắp và giảm thiểu lượng khí thải này. Ví dụ như tính toán số lượng khách hàng mục tiêu, số lượng điện sử dụng trong chiến dịch,… Theo tôi ‘Tính bền vững’ sẽ sớm trở thành thước đo quan trọng trong việc lập kế hoạch truyền thông. Hiện tại có rất nhiều công ty đã giới thiệu giải pháp bù lại lượng khí thải tạo ra trong chiến dịch, cho nên marketer có thể dễ dàng tiếp cận được với các giải pháp này. Việc ‘xanh hóa’ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều lượng khách hàng tiềm năng hoặc tỷ lệ ROI được tạo ra trong mỗi chiến dịch, và các marketer trong toàn ngành quảng cáo hoàn toàn có thể thay đổi nhằm tạo ra những tác động tích cực đến môi trường”.
Tân Phan
Nguồn Campaign Asia