Việc “phô diễn” các kỹ năng, tài lẻ trong CV được cho là tăng khả năng ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên có một thực tế rằng, nhà tuyển dụng chỉ dành trung bình từ 6 đến 7 giây để đọc và đánh giá CV của một ứng viên (theo Indeed). Vậy việc thể hiện quá nhiều thành tích, kỹ năng hay tài lẻ trong CV còn cần thiết và có trường hợp nào gây ra hiệu ứng ngược cho chính công việc của nhân sự sau này? 

Khi “thừa còn hơn thiếu” 

Theo nhân sự agency, tài lẻ được hiểu là những kỹ năng “vô thưởng vô phạt” nằm ngoài chuyên môn. Chị Linh Đồng, Creative Copywriter Junior tại ​​Mix Digital nói rằng đó có thể là những gạch đầu dòng chung chung như khiếu hài hước bẩm sinh, biết hát và chơi các nhạc cụ. Trong khi đó, anh Danh Châu, Art Director tại Ogilvy & Mather cho biết những tài lẻ đôi khi vẫn có thể bổ trợ tốt cho công việc chuyên môn. Ví dụ như một chất giọng hay, khả năng đọc diễn cảm sẽ giúp ích nhiều cho nhân sự ngành quảng cáo trong việc thu demo một đoạn TVC/MR trong các bài proposal. 

Tài lẻ được hiểu là những kỹ năng “vô thưởng vô phạt” nằm ngoài chuyên môn như khiếu hài hước hay khả năng “đàn ca sáo nhị“

Tài lẻ có thể là vũ khí gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nhân sự khi tham gia ứng tuyển. “Đối với những vị trí công việc đặc thù, thành tích nổi bật hay tài lẻ khác biệt sẽ tác động đến quyết định gặp mặt để trao đổi thêm về tính chất công việc của nhà tuyển dụng“ – chị Thuỳ Trang, Content Creative Executive tại YouNet AM nhận định. Các tài lẻ cũng giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về ứng viên ngay từ giai đoạn nộp CV. Từ đó, họ có thể bước đầu đánh giá ứng viên có phải một nhân tố phù hợp với văn hoá và môi trường làm việc của công ty hay không. 

Thế nhưng, anh Danh Châu cho rằng các nhân sự không nên quá kỳ vọng vào việc tài lẻ sẽ ảnh hưởng nhiều tới kết quả ứng tuyển. “Nhà tuyển dụng vẫn đề cao kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của một ứng viên hơn thay vì chỉ chú ý tới tài lẻ. Tài lẻ chỉ là một điểm cộng cho CV, nhìn chung không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng được nhận vào làm của nhân sự” – anh Danh Châu nói.  

Tham quá hoá thâm 

Tâm lý “thừa còn hơn thiếu” thường khiến nhân sự lựa chọn giải pháp mà họ cho là an toàn khi làm CV: liệt kê tất cả kỹ năng và tài lẻ mà bản thân đang có. Tuy nhiên, chị Linh Đồng cho rằng dù ở CV hay trong các cuộc phỏng vấn, trước khi viết hay nói điều gì, ứng viên luôn phải đặt câu hỏi rằng: Nhà tuyển dụng có thực sự quan tâm tới nội dung này hay không?  

Nếu quá sa đà vào liệt kê tài lẻ, ứng cử viên sẽ đi từ tạo ấn tượng chuyển sang gây khó chịu trong mắt nhà tuyển dụng. Liệt kê quá nhiều, liệt kê không đúng sự thật về kỹ năng hay tài lẻ trong CV đều khiến nhà tuyển dụng bối rối, đặt nghi vấn rằng ứng viên có thực sự hiểu vị trí công việc đang ứng tuyển hay ứng viên có thế mạnh nhất về việc gì để đánh giá chính xác mức độ phù hợp với doanh nghiệp. “Khi kể lể quá nhiều về những kỹ năng không cần thiết cho công việc, chính ứng viên đang ‘vạch áo cho người xem lưng’ rằng họ không hiểu gì về công việc và chỉ đang cố ‘làm màu’ mà thôi”, chị Thuỳ Trang nói. 

Chị Thuỳ Trang: “Thể hiện quá nhiều về kỹ năng và tài lẻ trong CV chỉ chứng tỏ bạn không hiểu gì về công việc và chỉ đang làm màu“.

Ngoài ra, một tình huống phổ biến hiện nay là ứng viên chỉ biết “thuật lại” các yêu cầu công việc trong phần kỹ năng. Chị Thuỳ Trang cho biết hầu hết nhân sự mới đi tìm việc đều dễ mắc lỗi này vì nhầm lẫn giữa khái niệm “yêu cầu công việc” và “kỹ năng chuyên môn”. Điều này dẫn đến việc “kể lể không kiểm soát hoặc thiếu trung thực” các kỹ năng của bản thân vào trong CV. 

Theo anh Danh Châu, ứng viên cũng nên lưu ý rằng kỹ năng hay tài lẻ đã nêu trong CV sẽ tác động một phần đến quyết định của nhà tuyển dụng khi giao phó nhiệm vụ cho nhân sự trong tương lai. Họ sẽ dựa trên thông tin khai thác được từ CV hay buổi phỏng vấn để xác định thế mạnh ban đầu của nhân sự. Cấp quản lý trong một doanh nghiệp sẽ giao phó công việc từ dễ đến khó cho nhân sự nhằm khuyến khích nhân sự bước ra khỏi vùng an toàn để học hỏi và phát triển. Do đó, nếu những kỹ năng hay tài lẻ nhân sự đã nhận là đúng và dựa trên chính thực lực của bản thân, nhiệm vụ đảm nhận có thể xử lý gọn gàng. Nếu ngược lại, đây sẽ là điểm trừ lớn dành cho nhân sự. 

Theo anh Danh Châu, kỹ năng hay tài lẻ đã nêu trong CV sẽ tác động một phần đến quyết định của nhà tuyển dụng khi giao phó nhiệm vụ trong tương lai

Thực lực không nằm ở tài lẻ ghi trong CV

Với chị Linh Đồng, ứng viên không nên cố gắng “lươn lẹo” mọi kỹ năng mình có để đáp ứng tất cả yêu cầu công việc chỉ vì muốn nhà tuyển dụng chú ý tới CV của mình. 

Chị Thuỳ Trang chia sẻ: “CV chỉ là bước đầu làm quen, những buổi trò chuyện phỏng vấn cũng nhằm mục đích đào sâu tính cách, khả năng làm việc trong tương lai. Hầu như rất ít nhà tuyển dụng tin vào CV hoàn toàn, vì thực tế họ không đoán biết được ứng viên đã ‘hô biến’ CV như thế nào.” Chính vì vậy, theo chị Trang, sau khi nhân sự được nhận việc, nhà tuyển dụng hay các quản lý sẽ dựa trên năng lực chuyên môn và thái độ làm việc để đánh giá thực lực của nhân sự, từ đó điều phối công việc. 

 

Quan điểm của chị Linh Đồng: “Khéo léo lựa chọn kỹ năng/tài lẻ có bổ trợ cho công việc, đừng lươn lẹo.

Ứng viên cần khéo léo ‘cân đo đong đếm’ những kỹ năng nên đưa vào CV dựa trên yêu cầu công việc. Nói dễ hiểu thì bạn không cần ghi tất cả mình có, hoặc ghi tất cả những gì yêu cầu công việc có nhưng mình thì không vào trong CV. Việc quan trọng là bạn phải tìm được điểm giao giữa cái của mình và cái mà công việc yêu cầu. Cứ lựa chọn đưa vào CV những kỹ năng sẽ bổ trợ và tương tác hiệu quả với công việc sau này của bạn tại công ty” – chị Linh Đồng kết luận.

Đồng quan điểm, chị Thuỳ Trang và anh Danh Châu cũng cho biết khi liệt kê kỹ năng vào trong CV, nhân sự không nên “tham quá mà hoá thâm”. Nhìn chung, ứng viên cần dựa vào yêu cầu công việc, hoặc tự phân tích vị trí ứng tuyển sẽ đòi hỏi những chuyên môn gì để chọn lọc kỹ năng phù hợp trong “kho” kỹ năng mà bản thân đang sở hữu.  

Trang Ngọc