Với một số người, mạng xã hội như Facebook, Instagram là nơi cập nhật mọi thứ về đời sống riêng tư. Thế nhưng, việc quá “năng nổ” trên mạng xã hội liệu có ảnh hưởng xấu tới kết quả phỏng vấn khi mọi bài đăng, bình luận của ứng viên đều có thể lọt vào mắt nhà tuyển dụng?
Khi ấn tượng đầu tiên không nằm ở cuộc gặp mặt
“CV và Portfolio thể hiện các thông tin cơ bản, kinh nghiệm, kĩ năng và các thành quả mà ứng viên đã đạt được trong quá trình làm việc”, anh Yang, Associate Creative Director nói. Thế nhưng, trong thời đại 4.0, việc quan sát các hoạt động của nhân sự trên mạng xã hội cũng là một bước quan trọng trong quy trình tuyển dụng.
Khác với bản CV thông thường, tài khoản mạng xã hội nói cho nhà tuyển dụng nhiều hơn về phong cách sống và thái độ của một ứng viên. “Facebook hay Instagram giống như một phần cuộc sống của hầu hết nhân sự ở mọi ngành nghề. Thông qua những tài khoản này các nhà tuyển dụng có thể tham chiếu những khía cạnh khác của ứng viên”, anh Huỳnh Nguyễn, Copywriter cho biết.
“Tài khoản mạng xã hội giúp nhà tuyển dụng nhìn thấy những tính cách khác của ứng viên”, anh Huỳnh Nguyễn chia sẻ
Những khía cạnh khác ở đây có thể là thái độ ứng xử của ứng viên, cách họ đưa ra quan điểm và đánh giá các sự kiện xã hội. “Mạng xã hội cũng nơi nhà tuyển dụng đánh giá được ít nhất là 50% mức độ phù hợp với vị trí và công ty của ứng viên. Lấy ví dụ như ở agency, nếu bạn không dùng mạng xã hội hoặc chậm trễ cập nhật các xu hướng thì đó là một điểm trừ khá lớn về độ phù hợp với công việc”, anh Yang chia sẻ về tầm quan trọng của tài khoản mạng xã hội trong tuyển dụng.
Đồng ý với quan điểm trên, chị Trà Giang cho rằng nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể để mắt đến nhân sự nhờ các bài đăng chia sẻ về dự án. “Nếu ứng tuyển cho một công ty công nghệ nhưng các dự án bạn ‘khoe’ trên mạng xã hội chủ yếu về du lịch hoặc trang điểm thì sẽ là một điểm trừ. Như vậy, mạng xã hội không chỉ bộc lộ một phần tính cách nhân viên, mà còn giúp ích rất nhiều trong việc chọn ra người thực sự phù hợp với công việc”, chị Trà Giang, Influencer Marketing Executive tại Anymind Group nói.
Mạng xã hội không thể quyết định toàn bộ kết quả phỏng vấn
Khi mạng xã hội trở thành một công cụ đánh giá khác của nhà tuyển dụng, các ứng viên lo sợ rằng những lần hớ miệng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Tuy nhiên, nhân sự agency cho rằng sự việc chưa nghiêm trọng tới mức đó. “Tôi nghĩ không ai có quyền đánh giá quá sâu cuộc sống cá nhân của bất kì người nào, có chăng cũng chỉ là ấn tượng đầu không tốt hoặc có những điểm trừ nhất định dựa trên quan điểm đánh giá của cá nhân nhà tuyển dụng”, anh Yang nói.
“Cùng lắm là bị một điểm trừ hoặc tệ hơn là gây ấn tượng xấu chứ mạng xã hội không phải là nguyên nhân chính khiến ứng viên rớt phỏng vấn”, anh Yang nói.
Theo anh Huỳnh Nguyễn, mạng xã hội chỉ nên là một nguồn tham khảo thêm chứ không thể quyết định toàn bộ kết quả phỏng vấn. “Thực tế thì các tài khoản số hoá này không phản ánh hoàn toàn con người hay nội tại của một ứng viên, điều quan trọng vẫn là năng lực và sự phù hợp trong công việc”, anh Huỳnh Nguyễn cho biết.
Trong khi đó, chị Trà Giang nói rằng rất khó để đánh giá đúng về một nhân sự nếu chỉ dựa trên mạng xã hội. Có thể ở trên mạng nhân sự thể hiện đa dạng tính cách khác nhau, nhưng điều đó chưa đủ để đưa ra phán đoán về trách nhiệm cũng như kĩ năng của nhân sự trong công việc. “Nhà tuyển dụng cũng chỉ nên xem các thông tin liên quan đến công việc để đánh giá khách quan, bởi sự thật thì mạng xã hội cũng đã là một phần trong cuộc sống riêng tư mỗi người. Không thể vì họ chia sẻ thông tin không đúng mà loại ứng viên được. Vì khi làm việc và khi họ sống với cuộc sống của họ sẽ có tính cách và trách nhiệm khác nhau”, chị chia sẻ.
Đăng gì trên mạng xã hội để không gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng?
Mạng xã hội là một môi trường chia sẻ tự do, nhưng nếu nhân sự thực sự quan tâm đến hình ảnh/ấn tượng đầu tiên của bản thân trong mắt nhà tuyển dụng thì nên rà soát lại tài khoản của mình. “Hạn chế chia sẻ các vấn đề về chính trị, xã hội, không tham gia vào những drama gây tranh cãi hoặc gay gắt thể hiện cá tính một cách thái quá so với chuẩn mực chung (theo tác phong công việc). Nhưng nếu bạn vẫn tha thiết muốn thể hiện những điều đó thì hãy dùng một…nhân cách khác tạm gọi là acc clone”, anh Huỳnh Nguyễn nói.
Với chị Trà Giang, việc chia sẻ lại thông tin trên trang cá nhân cũng cần có chọn lọc kỹ càng. “Với người làm nội dung (content), ứng viên nên chú ý vào các câu chữ trong các bài đăng vì chúng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn ưa chuộng từ ngữ như thế nào. Còn ở vị trí Influencer Management thì họ sẽ quan tâm bạn có theo dõi các trang về giới showbiz hay không. Những bài chia sẻ lại cũng sẽ phản ánh cách bạn truyền tải thông tin đến người khác, vậy nên cần thật cân nhắc”, chị Trà Giang chia sẻ.
Chị Trà Giang cho rằng một ứng viên chuyên nghiệp nên chọn lọc các thông tin đăng tải trên mạng xã hội
Về phía các nhà tuyển dụng, anh Yang đưa quan điểm rằng chỉ nên tài khoản MXH chiếm khoảng 50% nhận định ban đầu. “Tôi nghĩ trăm nghe không bằng một thấy, tốt nhất chỉ nên dùng mạng xã hội để tham khảo bước đầu, sau đấy là gặp gỡ, trao đổi, làm việc cùng… Các đánh giá mang tính quyết định thì nên dựa vào những thông tin trên CV và Portfolio mà ứng viên đã gửi để đánh giá. Vì công việc là công việc và đời sống thường ngày là một câu chuyện khác”, anh Yang nói.
Minh hoạ: Huy Mai
Nội dung: Hằng Trần