10 năm trước, các trang báo lớn của Mỹ đã cho rằng: Internet chỉ là một xu hướng “thoảng qua”. Tới nay, Internet đã thay đổi thế giới hoàn toàn với 4.95 tỷ người sử dụng, chiếm tới 62.5% dân số toàn cầu (Báo cáo Digital 2022: Global).

Liệu “metaverse” có phải một xu hướng “thoảng qua” như Internet, hay chỉ là một ý tưởng điên rồ? Đã đến lúc Marketer cần hiểu đúng bản chất để cân nhắc ứng dụng và triển khai kế hoạch tiếp thị cho thương hiệu.

Giải nghĩa “Metaverse” cho dân “mù công nghệ”

Bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết hư cấu “Snow Crash” (1992), “metaverse” là thuật ngữ để chỉ một thế giới ảo khổng lồ, nơi con người/sự vật được kết nối với nhau thông qua các chuỗi khối (Blockchain). 

Mọi hành động tương tác như mua sắm, trải nghiệm, vui chơi, học tập,… đều được thực hiện nhờ các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), tái tạo 3D (3D Reconstruction), Internet vạn vật (IoT) hay mạng 5G. Tiền tệ của thế giới này sẽ là các đồng tiền ảo như Bitcoin. Từng đồ vật/sự vật trong đó sẽ mã hóa riêng, mã hóa này gọi là NFT.

Gen Z và Gen Alpha là cư dân chính của “metaverse”

Dù mới nổi lên trong năm 2021, “metaverse” đã thu hút sự quan tâm từ cư dân mạng. Theo khảo sát từ GWI với sự tham gia của 13,000 người dùng Internet trên thế giới, 51% trong số đó hứng thú tham gia vào “metaverse”. Gartner.Inc cũng dự đoán 25% người tiêu dùng sẽ dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày trong “metaverse” để làm việc, mua sắm, học tập, giao lưu hoặc giải trí vào năm 2026.

Hiện nay, cư dân của “metaverse” là GenZ (sinh ra trong khoảng 1997 đến 2010) và Gen Alpha (sinh ra trong khoảng 2010 trở đi), chủ yếu là game thủ hoặc các tín đồ thời trang. Họ là những người trẻ, rành về công nghệ và khao khát thể hiện bản sắc cá nhân. Họ sẵn sàng chi trả cho những đồ vật/sự vật NFT để khẳng định điều đó và tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ. 

Thấu hiểu điều này, nhiều ông lớn trong ngành game như Sandbox, Decentraland hay ngành thời trang như Nike, Gucci, Dior,… đã mạnh tay chi tiền để tạo ra những sản phẩm số hóa như đất đai, nhà cửa, quần áo, giày dép, phụ kiện nhằm đón đầu làn sóng nhu cầu tiêu dùng của các cư dân “metaverse”.

Cơ hội cho Marketer trong “metaverse”

Mọi sự vật/đồ vật ảnh hưởng tới việc nghe, nhìn của cư dân “metaverse” đều có thể trở thành cơ hội cho các Marketer tiếp cận và thu hút khách hàng tiềm năng. Quảng cáo ngoài trời trong thế giới ảo, tiếp thị người ảnh hưởng ảo, kích hoạt event ảo,… tất cả đều khả thi. 

Ví dụ, trong năm qua, Admix và Ocean Outdoor là những đơn vị tiên phong khi hợp tác với nhau để đưa hình thức quảng cáo ngoài trời (Quảng cáo OOH) vào thế giới “metaverse” nhằm kích thích thị giác người xem. Hay như Agency Ogilvy T&A và Colory mới đây cho ra mắt Virtual Influencer (người ảnh hưởng ảo) “E.M ơi”, giúp các thương hiệu kết nối sâu hơn với cư dân “metaverse”. Hoặc như Fornite kết hợp với ca sĩ Ariana Grande để tổ chức buổi hòa nhạc ảo đình đám, thu về gần 20 triệu USD bằng việc bán các vật phẩm kỹ thuật số liên quan đến sự kiện.

Lời khuyên cho Marketer trước khi bước chân vào “metaverse”

Mới đây, ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs dự đoán thị trường “metaverse” có thể cán mốc 8,000 tỷ USD trong vài năm tới. Đồng thời, năm 2021, Việt Nam ghi nhận vô số Start-up định giá tỷ đô trong lĩnh vực này nổi lên nhanh chóng như Axie Infinity, Calo App, VerseHub hay Meta Spartial. 

Mặc dù vậy, Adsota nhận định “metaverse” hiện tại còn sơ khai. Phần lớn các thương hiệu gia nhập vũ trụ ảo đang tiến hành R&D (nghiên cứu & phát triển), xây dựng và tối ưu trải nghiệm người dùng. Do đó, mục tiêu gia tăng tỷ lệ chuyển đổi với cư dân “metaverse” trong giai đoạn này chưa phù hợp. 

Thay vào đó, các Marketer có thể đầu tư vào các hoạt động gia tăng nhận diện thương hiệu như tổ chức sự kiện ảo, xây dựng gian hàng ảo, thiết kế các vật phẩm ảo,… kết hợp với các công cụ Marketing sẵn có để kết nối và tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho khách hàng tiềm năng.