Theo báo cáo của Hãng tin Bloomberg, nền kinh tế sáng tạo trong năm 2021 đã tạo ra 20 tỉ USD doanh thu, là lĩnh vực hiếm hoi thu lợi và thậm chí là bùng nổ dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid. 

Trước đây, nền kinh tế sáng tạo bao gồm hàng ngũ các influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội), TikToker, YouTuber, streamer (người phát trực tiếp cảnh chơi game hay các nội dung khác). Thế nhưng Hubspot vừa hé lộ một con số thú vị: Khoảng 30% nhóm người từ 18-24 tuổi và 40% nhóm người từ 25-34 tuổi tự gọi mình là content creators. Liệu một người bình thường có thể được xem là một content creator? Và nếu dễ dàng như vậy, liệu giá trị của content creator có dần bị hạ thấp? 

Tất cả mọi người đều là nhà sáng tạo nội dung

Theo Hubspot, nếu định nghĩa content creator là người sáng tạo những nội dung giải trí, giáo dục hoặc đơn giản là gây hứng thú người xem, thì bất kì ai đăng tải nội dung trên mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ đều có thể được xem là một content creator. Một người bình thường chia sẻ video vui nhộn trên Instagram với 300 người theo dõi, hay một Influencer có tiếng dàn dựng content bài bản phục vụ 3 triệu người hâm mộ, cả hai đều được xem là content creator. 

Li Jin, Nhà sáng lập Tổ chức Sáng tạo sở hữu Variant Fund nói với tờ The Information: “Bất kể bạn làm trong ngành nào, bạn đều có thể trở thành người sáng tạo. Sự xuất hiện của Internet và các nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta bình đẳng trong việc xây dựng thương hiệu ảo. Lúc này, các bác sĩ, CEO, bà nội trợ đều có thể trở thành content creator với bước đầu tiên là xây dựng một hồ sơ (profile) trực tuyến”. 

TikTok là nền tảng tạo ra thu nhập hàng đầu cho các content creator năm 2022.

Đúng rằng sẽ có sự chênh lệch giữa các content creator về cấp độ kĩ năng, kiến thức chuyên môn và tầm ảnh hưởng trong nền kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, không giống như các ngành nghề khác, không có bất kì yêu cầu đầu vào nào để một ai đó trở thành người sáng tạo nội dung. Kể cả khi có những khóa học đào tạo về content, vẫn không bắt buộc phải học những lớp này để trở thành một content creator thực thụ.“Một người không cần phải sở hữu một số kỹ năng nhất định hoặc sống ở một khu vực cụ thể hoặc là chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể để là content creator. Những thứ căn bản họ cần chỉ là một chiếc điện thoại hoặc một chiếc máy tính”, Huspot viết. Đồng ý với quan điểm đó, Leslie Green, Giám đốc Chiến lược Xã hội tại HubSpot nói rằng: “Nếu Nike tin rằng ‘mọi người đều là vận động viên’, thì tôi cũng tin rằng mọi người đều là nhà sáng tạo nội dung”

Theo đó, không nhất thiết phải đóng khung định nghĩa content creator. “Vì nếu mở rộng phạm vi nghĩa khi nhắc đến người tạo nội dung, chúng ta đang mở ra nhiều cánh cửa và đón nhận nhiều màu sắc, tiếng nói đa dạng hơn trong nền kinh tế sáng tạo”, Hubspot viết. 

Nhưng không phải ai cũng làm “nghề” sáng tạo nội dung 

Ai cũng có thể trở thành content creator nhưng để biến nó trở thành công việc full-time thì không phải ai cũng làm được. Nói tóm lại, nhiều người tự gọi mình là content creator nhưng ít ai tự tin gọi content creator là nghề và có thể kiếm sống từ nó. Nicole Phillip, Giám đốc truyền thông của The Hustle nói: “Làm content creator đồng nghĩa bạn phải xây dựng một cộng đồng vừa đủ số lượng để tạo ra ảnh hưởng và vừa đủ chất lượng để họ trung thành với sản phẩm bạn làm ra. Và khi bạn sáng tạo nội dung, những nội dung đó phải là ‘độc bản’, có thể viral và liên quan đến cộng đồng của bạn”.

Lavendaire đang là Youtuber Lifestyle nổi bật trên nền tảng video với 1,72 triệu lượt subcribers.

Brady Lockerby, TikToker sở hữu 135 nghìn người theo dõi đã bỏ việc và xem nghề sáng tạo nội dung như công việc toàn thời gian của mình. Cô có thu nhập 50.000 USD mỗi tháng, và cho rằng số tiền này không phải kiếm được dễ dàng. “Mọi người có thể tìm thấy nội dung từ mọi ngóc ngách của Internet và để duy trì lượng khán giả trong một cuộc chiến tranh giành sự chú ý khốc liệt như thế, content creator phải đổ công sức gấp đôi, đôi khi còn căng thẳng và mệt mỏi”. Cô cũng nói thêm rằng “Mạng xã hội giống như một con thú đói mà content creator phải liên tục bón đồ ăn. Một khi làm ‘nghề’ content creator, bạn phải cam kết một hợp đồng lao động 24/7. Vì nếu content creator không thường xuyên đăng tải nội dung hấp dẫn, khán giả sẽ lạnh lùng tìm kiếm một nhà sáng tạo mới với những nội dung phù hợp và ổn định hơn. Rất dễ để có được cái mác ‘người sáng tạo nội dung’, nhưng kiếm sống bằng nghề này không dễ chút nào”

Với những bạn trẻ đang tự gọi mình là “content creator” thì không có gì sai, nhưng nếu muốn sống được với nghề này thì cần phải nhận thức được những mặt trái đó. “Người sáng tạo nội dung đang nhiều quyền lực hơn bao giờ hết. Các nền tảng như TikTok và Instagram đang là hai nền tảng tạo ra thu nhập hàng đầu cho các content creator. Vì vậy, đừng nản lòng nếu bạn đang muốn thâm nhập vào nội dung sáng tạo. Các thương hiệu và nền tảng vẫn đang tìm kiếm những mảnh ghép có cá tính và kiến thức chuyên môn”, Leslie Green nói. 

Để tạo ra cá tính cho mình trong nền kinh tế sáng tạo, Leslie cũng khuyên rằng “hãy chọn một thị trường ngách, tập trung vào duy nhất một nền tảng và duy trì nhịp độ sáng tạo một cách nhất quán”

Theo Hubspot

Hằng Trần/Advertising Vietnam